Những ngày đầu năm, người dân đến tham quan và dâng hương tại các lễ hội, các cơ sở tôn giáo ngày một nhiều hơn. Nhiều người đã cho tiền vào các thùng công đức thể hiện lòng thành kính với mong muốn tích thêm công đức đầu năm.
Trong suy nghĩ của nhiều người, góp tiền công đức không chỉ mong muốn lời cầu nguyện của mình trở thành hiện thực, mà còn để giúp các cơ sở tôn giáo, các di tích có thêm kinh phí hoạt động.
Vẫn như mọi năm, chị Nguyễn Thị Thu Hà, 29 tuổi, Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cùng nhiều người dân khác đều sắm sửa đi lễ chùa đầu năm, mong một năm bình an, có nhiều sức khỏe, mọi việc hanh thông, thuận lợi. Và để tỏ lòng thành thì việc góp tiền vào thùng công đức là một điều không thể thiếu.
“Đầu năm tôi cũng có một chút công đức gửi cho nhà chùa, tôi mong công đức nhỏ bé của tôi có thể phụng sự cho việc mua hương hoa, lễ quả vào mồng 1 hoặc Rằm hàng tháng”, chị Hà chia sẻ.
“Mỗi lần tôi đi đến đình chùa hoặc các di tích lịch sử, tôi đều bỏ tiền vào các thùng công đức. Với mong muốn, có thể đóng góp được phần nào công sức cho việc tu bổ, sửa chữa cũng như duy trì các hoạt động của đình chùa, di tích”, anh Nguyễn Mạnh Hùng, 50 tuổi, quận Hoàng Mai (Hà Nội) tâm sự.
Có thể thấy trong suy nghĩ của nhiều người, góp tiền công đức không chỉ mong muốn lời cầu nguyện của mình trở thành hiện thực, mà còn để giúp các cơ sở tôn giáo, các di tích có thêm kinh phí hoạt động, tu bổ, sửa sang lại và đồng thời hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật, ông Trương Tiến Hồi, Trưởng ban Quản lý khu di tích Phủ Tây Hồ cho biết: “Tiền công đức được chúng tôi sử dụng một tuần 2 lần dâng hoa ở các ban thờ. Ngoài ra, di tích còn để hỗ trợ các tổ chức xã hội như: Hội người mù; Hội chất động da cam và trẻ em lang thang cơ nhỡ”.
“Tiền công đức của các quý Phật tử gửi cho nhà chùa, một phần được nhà Chùa sử dụng trong việc cúng Phật, tu bổ, sửa chữa chùa. Phần còn lại phục vụ cho công tác từ thiện”, Thượng Tọa Thích Thanh Tuấn, Phó Tổng thư ký Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam chia sẻ.
Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước hiện nay có gần 9.000 lễ hội; trong đó, có khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng.
Về di tích, cả nước có trên 10.000 di tích đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, gần 4.000 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia, 123 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đồng thời, có trên 40.000 di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Nhiều người dân thắc mắc, không biết tiền công đức có được công khai hay không và sử dụng như thế nào?
Những năm gần đây bắt đầu xuất hiện các vụ việc tiêu cực trong việc sử dụng tiền công đức, tài trợ di tích, hoạt động lễ hội, có xu hướng thương mại hoá với nhiều mục đích khác. Tình trạng này dẫn tới việc nhiều người băn khoăn không biết tiền công đức có được công khai hay không và sử dụng đúng mục đích gì?
“Tiền công đức rất là quan trọng với các di tích, chính vì thế việc quản lý là một trong những yếu tố then chốt, để từ đó chúng ta tạo ra sự công khai minh bạch, hiệu quả trong việc sử dụng tiền công đức”, Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục bày tỏ quan điểm.
Mới đây Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC về hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Thông tư mới được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý góp phần quản lý minh bạch tiền công đức, tài trợ nhưng vẫn không gây cản trở các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 19/3/2023.
Thảo Ly