Nếu bị thua trong vụ tranh chấp bằng sáng chế với Nokia, nhà sản xuất xe Mercedes-Benz có thể bị cấm bán ra tại Đức.
Nhà sản xuất ôtô Daimler AG có thể bị áp dụng lệnh cấm bán xe Mercedes-Benz tại Đức sau khi bị công ty công nghệ Phần Lan, Nokia, khởi kiện trong một vụ tranh chấp bằng sáng chế tại một tòa án địa phương.
Daimler bị kiện vì đã sử dụng trái phép công nghệ di động cho ôtô Mercedes-Benz. |
Các thẩm phán ở Mannheim, Đức đã phán quyết Merecedes-Benz vi phạm bằng sáng chế của Nokia khi sử dụng các công nghệ của hãng trên cho các mẫu xe Mercedes-Benz mà không có giấy phép. Điều này đồng nghĩa với việc cho phép Nokia có thể cấm Mercedes-Benz bán xe tại Đức.
Trên thực tế, việc này khó có thể xảy ra. Bloomberg cho biết nếu Nokia thực sự muốn đặt lệnh cấm bán xe Mercedes-Benz tại Đức thì công ty công nghệ Phần Lan sẽ phải tiến hành làm thủ tục với tài sản thế chấp trị giá 8,3 tỷ USD. Số tiền này sẽ được sử dụng để bù đắp thiệt hại trong trường hợp lệnh bị hủy bỏ khi kháng cáo.
Các nhà sản xuất ôtô châu Âu ngày càng phụ thuộc vào các hệ thống viễn thông-di động để thực hiện việc kết nối trên những chiếc xe của mình, Reuters cho biết Nokia kiếm được 1,67 tỷ USD doanh thu mỗi năm từ việc bán bản quyền công nghệ.
Vì vậy vụ kiện này có vai trò rất quan trọng đối với công ty công nghệ Phần Lan. Jenni Lukader, giám đốc Nokia Technologies, mong muốn Daimler chấp nhận phán quyết của tòa án và sử dụng công nghệ của Nokia một cách hợp pháp.
Mercedes-Benz có thể sẽ bị cấm bán tại Đức nếu Daimler AG thua kiện Nokia. |
Theo quy định, Daimler cũng phải thông báo với Nokia số lượng ôtô hãng bán được có sử dụng công nghệ này. Tuy nhiên, nhà sản xuất xe sang của Đức khá tự tin và cho rằng lệnh cấm bán sẽ không xảy ra khi khẳng định: "Chúng tôi không thể hiểu được phán quyết của tòa án Mannheim và sẽ kháng cáo. Chúng tôi không cho rằng sẽ có lệnh cấm bán ôtô".
Tranh chấp là một phần trong cuộc chiến lớn giữa các công ty công nghệ và ngành công nghiệp ôtô về tiền bản quyền cho các công nghệ được sử dụng cho hệ thống định vị, liên lạc và tự hành trên xe.
Nokia đã thay đổi mô hình để thỏa thuận trực tiếp với các nhà sản xuất ôtô, cắt giảm tương tác với các nhà cung cấp. Do đó, một số nhà cung cấp (như Continental và Bosch) đã đứng ra hỗ trợ Daimler trong vụ kiện với tư cách là các bên liên quan.
Minh Khôi (T/h)