Khi “ông bố khó tính” đứng trên giảng đường
Tiến sĩ, Nghệ sĩ Phạm Dũng (SN 1959) được mọi người biết đến ông với biệt danh Dũng râu khi “nhẵn mặt” trên truyền hình với rất nhiều vai diễn, hoặc hình ảnh quen thuộc “ông bố khó tính ” hay mới đây nhất là vai giáo sư Xoày Trọng Chấm trong chương trình Hỏi xoáy đáp xoay.
Tiến sĩ, Nghệ sĩ Phạm Dũng là một người thầy rất nhiều trăn trở về công tác dạy và học.
Ông từng theo học đạo diễn, diễn viên, sau này về giảng dạy ở trường Đại học Văn hóa, rồi vào Sài Gòn dạy ở trường Đại học Văn hóa TP HCM 10 năm, sau quay trở lại Hà Nội và dừng chân ở trường Đại học Sư phạm nghệ thuật TW cho đến khi nghỉ hưu.
Nhắc tới công việc đào tạo, nghệ sĩ Phạm Dũng luôn tự hào về cái nghiệp mà cả đời ông gắn bó, dành biết bao tâm huyết, trí lực để đào tạo ra các thế hệ học sinh của mình.
Giảng dạy ở một môi trường đậm chất nghệ thuật, Tiến sĩ Phạm Dũng cũng thẳng thắn thừa nhận bản thân ông phải am hiểu rất nhiều các lĩnh vực, từ việc đào tạo đạo diễn, diễn viên, giảng dạy về lịch sử phát triển sân khấu Việt Nam, giảng dạy về di sản văn hóa trong đó giảng dạy về gốm là chủ yếu…. Tuy nhiên, điều mà ông quan tâm, trăn trở hơn cả chính là những vấn đề bất cập của ngành giáo dục như phương pháp dạy và học lạc hậu nhàm chán thầy đọc - trò chép, chương trình học thiếu chuyên sâu, rồi nạn dạy thêm, học thêm đang lấy đi tuổi thơ của những đứa trẻ, hay vấn đề sử dụng con người ra sao để những tài năng không bỏ đất nước mà đi…
“Người thầy phải giao nhiệm vụ học cho học sinh chứ không phải bắt người ta ghi chép, phải thuộc, phải hiểu bài ngay. Để làm được điều này thì trước khi lên lớp khoảng 1 tháng, người thầy phải thông báo trước cho học sinh của mình về nội dung bài giảng sắp tới để học sinh đọc tài liệu, tìm hiểu trước khi nghe giảng”, Tiến sĩ Phạm Dũng nêu quan điểm.
Một vai diễn trên phim truyền hình của Nghệ sĩ Phạm Dũng.
Chia sẻ về công tác đào tạo của mình, Tiến sĩ Phạm Dũng cho biết, ông giảng dạy trong môi trường văn hóa nghệ thuật, nơi mà mọi người thể hiện tính cách rất mạnh; trong một lớp học đa dạng về tính cách như vậy, mọi người thường có những quan điểm đối chọi nhau về tính cách, vì vậy mà khi có xung đột, mâu thuẫn thì việc giải quyết cũng không hề đơn giản. Do vậy, đã là một người thầy thì việc đầu tiên là phải làm một người thầy mẫu mực, vừa phải có “uy”, vừa phải có lòng bao dung để học trò nghe theo, phải “tâm phục khẩu phục”.
Tiến sĩ Phạm Dũng nhớ lại, ông rất nhiều lần phải đứng ra dàn xếp những mâu thuẫn của học sinh. Trong số đó, ông nhớ có một cậu sinh viên nhờ bạn cầm giúp chiếc đồng hồ để đi tắm; cậu bạn kia đánh bài rồi đặt luôn đồng hồ của bạn; dẫn tới hai bên xích mích rồi kéo nhau lên khoa nhờ thầy cô giải quyết. Lúc đó, Tiến sĩ Phạm Dũng yêu cầu cả hai viết bản tường trình; đọc xong ông nói luôn “ở đây có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong 1 tuần nếu cậu kia không trả lại đồng hồ cho bạn thì tôi sẽ đưa ra công an xử lý. “Cho thời gian một tuần chính là để cậu kia có thời gian để sửa sai cho lỗi lầm của mình”, Tiến sĩ Phạm Dũng cười hiền chia sẻ.
Hay xung đột giữa một cậu lớp trưởng và một cậu bí thư, người này thưa thầy mình bị bạn kia đánh 6 cái và chỉ đánh lại bạn 1 cái, song với cách giải quyết của Thầy Phạm Dũng, như vậy thì được cho là hai bạn đánh nhau; cả hai đều là lãnh đạo của lớp mà lại không làm gương cho các thành viên khác trong lớp nên đề nghị cách chức lớp trưởng và bí thư nêu như hai cậu này không tự dàn xếp với nhau. Kết quả cuối cùng là hai người bắt tay làm hòa và xin lỗi nhau, hứa sẽ không tái phạm.
Nhiều người sẽ nhìn ra cách xử lý nghiêm khắc của một “Ông bố khó tính” trên truyền hình cách đây rất nhiều năm, nhưng sâu sa trong cách xử trí thông minh ấy là cả một tình yêu thương vô bờ bến mà thầy Phạm Dũng dành cho học trò của mình.
Nghỉ hưu chứ không nghỉ việc
Nhìn lại, cũng thấm thoát gần 40 năm gắn bó với biết bao thế hệ sinh viên, Tiến sĩ Phạm Dũng chẳng thể nào quên được những giây phút ý nghĩa, ấm áp của ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 mà bao thế hệ học sinh dành cho mình.
Ông còn là một nhà khoa học với niềm đam mê gốm cổ.
“Có lần học sinh “kéo” tôi vào lớp nói “chúng em có việc nhờ thầy một chút”, những tưởng học sinh hỏi bài vở hay nhờ hướng dẫn chuyên môn như mọi khi; nhưng khi vừa vào lớp, tôi vô cùng bất ngờ và xúc động trước một chương trình tiệc ngọt, ca múa nhạc hết sức công phu mà các bạn sinh viên dành tặng riêng cho Thầy nhân ngày 20/11”, Tiến sĩ Phạm Dũng xúc động nhớ lại.
Với cương vị của một người dành cả đời cho công tác đào tạo trong môi trường nghệ thuật, Tiến sĩ Phạm Dũng luôn muốn nhắn nhủ tới tất cả các thế hệ sinh viên của mình rằng, chúng ta muốn thành công trong bất kỳ lĩnh vực gì thì phải cố gắng trau dồi kiến thức với một tình yêu trong sáng, đam mê cháy bỏng, làm việc tận tâm, nhiệt huyết.
Tiến sĩ Phạm Dũng nghỉ hưu ở tuổi 60 và không hề có cảm giác “sốc” như một số người về nghỉ hưu thường gặp phải. Là một nhà nghiên cứu chân chính, lúc này, ông tiếp tục nghiên cứu các đề tài khoa học, viết sách, viết về những gì mà cuộc đời ông trải qua. Lại nói thêm, ông ngoài giảng dạy, đào tạo ra rất nhiều lớp đạo diễn, diễn viên nổi tiếng thì ông còn là một tay chơi đồ cổ “ngông” có tiếng, người khởi xướng thành lập Hội cổ vật Thăng Long; một võ sư Vịnh Xuân được nhiều người biết đến trong giới võ thuật.
Tiến sĩ Phạm Dũng tặng sách Hữu Duyên Gốm Cổ cho bạn quý.
Trong rất nhiều lĩnh vực Tiến sĩ Phạm Dũng quan tâm thì ông đặc biệt quan tâm đến gốm. Mới đây, ông vừa hoàn thành xong cuốn sách “Hữu duyên Gốm cổ” với biết bao tâm huyết, kiến thức quý báu mà ông dày công nghiên cứu.
Trong ngôi nhà ở ngoại ô, cách Hà Nội khoảng 20km, Tiến sĩ Phạm Dũng vẫn miệt mài viết sách, vẫn truyền dạy những kiến thức cho học trò, dạy võ cổ truyền cho những môn sinh trẻ, sưu tầm những cổ vật rồi lại tặng lại các bảo tàng… như một cách để lưu giữ, bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của văn hóa Việt.