Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tràn lan hội nhóm bùng app vay tiền: Hành vi nguy hiểm cho xã hội

  • Bảo An
(DS&PL) -

Mạng xã hội phát triển mạnh mẽ khiến nhiều người dân vì tò mò mà bị cuốn vào các hội nhóm bùng app vay tiền. Hành vi này vô cùng nguy hiểm và để lại nhiều hệ lụy tiêu cực trong xã hội, nhất là hình thành tư duy “không làm mà vẫn có ăn”.

 

 

Hành vi xấu xí lan nhanh như một loại “dịch bệnh”

Theo Luật sư Ma Văn Sáng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, hiện tượng các hội nhóm bùng app vay tiền mọc lên tràn lan trên mạng xã hội là một thực trạng đáng buồn của xã hội. Nguy hiểm hơn là đã và đang có rất nhiều người tham gia các hội nhóm này để tìm hiểu, dò hỏi kinh nghiệm bùng nợ nhằm chiếm đoạt tài sản của các tổ chức tín dụng.

“Hành vi này rất nguy hiểm vì nó tạo ra một nhóm người có tư duy “không làm mà vẫn có ăn” chỉ trực chờ đi vay để tiêu sài và cuối cùng là bùng nợ. Thậm chí, có những người nói là vay nhưng đã có ý định bùng tiền ngay từ trước khi làm thủ tục vay. Khi mà lối tư duy này lây lan rộng ra như một loại “dịch bệnh” thì nó tác động rất xấu đến xã hội nói chung và các tổ chức tín dụng nói riêng”, Luật sư Sáng nêu thực trạng.

Luật sư Ma Văn Sáng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Ở góc độ pháp luật, vị Luật sư khẳng định, bùng nợ là một hành vi vi phạm pháp luật. Cho dù ở mức độ nào, là vi phạm pháp luật dân sự, hành chính hay hình sự thì đều để lại những hậu quả xấu cho cả bên vay và bên cho vay và cho xã hội. Làm gia tăng tỉ lệ vi phạm pháp luật của công dân.

Thứ hai, hành vi này làm cho thị trường cho vay trở nên thiếu lành mạnh, thiếu an toàn đối với các nhà đầu tư và dần già sẽ có rất ít tổ chức, cá nhân tham gia vào lĩnh vực này.  Hệ quả là làm cho việc tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp trở nên khó khăn.

Thứ ba, có không ít người lên các hội nhóm này để khoe khoang chiến tích bùng nợ và kèm theo đó là quảng cáo về dịch vụ bùng nợ các app, lôi kéo người khác sử dụng dịch vụ tư vấn bùng nợ. Chưa biết tính xác thực của những quảng cáo, những dịch vụ bùng nợ này hiệu quả đến đâu, nhưng đã có nhiều trường hợp “tiền mất tật mang” những tưởng là bùng được nợ nhưng lại mắc nợ nhiều hơn vì mất tiền cho những đối tượng này.

Một nội dung khác được Luật sư Ma Văn Sáng lưu ý, đó là trách nhiệm của những người đứng đầu lập ra các hội nhóm kín.

Luật sư Sáng phân tích: “Những người có hành vi “xúi giục” kích động, dụ dỗ người khác bùng nợ hoặc “giúp sức” tạo điều kiện về vật chất, về tinh thần cho người khác thực hiện các hành vi này nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý với vai trò “Đồng phạm” với người thực hiện hành vi theo quy định tại Điều 17 Bộ luật hình sự.

Cá biệt, có những người giữ vai trò “Tổ chức” lập ra cả một nhóm, trang, hội kín trên mạng xã hội để chỉ đạo việc bùng nợ thì những người này có thể bị xử lý với vai trò là “chủ mưu” trong vụ án. Mức hình phạt cho những người Đồng phạm sẽ phụ thuộc vào tính chất, mức độ nghiêm trọng và hậu quả do người thực hiện hành vi phạm tội gây ra”.

Trả giá đắt với hành vi bùng nợ

Từ những phân tích trên, Luật sư Ma Văn Sáng đánh giá, người dân tin theo các hội nhóm trên để bùng tiền, trốn nợ sẽ bị xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật.

Trường hợp người vay tiền có khả năng, điều kiện để trả nợ nhưng cố tình không trả hoặc bỏ trốn để nhằm mục đích chiếm đoạt khoản tiền đã vay thì có thể bị xử lý theo Điều 175 về “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. 

Trường hợp người đó đi vay nợ nhưng không có ý định vay tiền mà nảy sinh ý định chiếm đoạt khoản tiền này ngay từ ban đầu (trước khi đi vay tiền), hoặc sử dụng các thông tin giả mạo, gian dối để nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý theo Điều 174 về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Khung hình phạt của 2 tội này cao nhất từ 12 năm lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

 

Để hạn chế việc các hội nhóm bùng nợ phát triển tràn lan trên mạng xã hội, Luật sư Sáng kiến nghị, các cơ quan chức năng cần tích cực rà soát, xử phạt đối với những cá nhân, tổ chức giữ vai trò quản lý, điều hành các trang page, hội nhóm nêu trên.

Người dân cần thực sự tỉnh táo, không để kẻ gian lợi dụng tâm lý nhẹ dạ cả tin để nhằm lôi kéo tham gia các hoạt động vay nợ thông qua các app bất hợp pháp; Sử dụng dịch vụ bùng nợ do các cá nhân trong các hội nhóm này cung cấp. Hãy thực sự cảnh giác với các nhóm, hội lập được lập ra trên mạng xã hội ra vì đằng sau đó có khi lại chính là tín dụng đen.

“Người vay cần phải tìm hiểu, lựa chọn công ty tài chính chính thống, uy tín thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả…). Cần phải tỉnh táo để tìm được những địa chỉ vay tiền uy tín, vừa có thể giải quyết được nhu cầu tài chính của bản thân vừa đảm bảo có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng thời hạn”, Luật sư Sáng nhấn mạnh.

Đình Hoàn

Tin nổi bật