Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trải lòng của “đại ca” cai nghiện giữa lòng hồ sông Đà

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Dặt dẹo khắp nơi với cơn đói thuốc, tay giang hồ cộm cán một thuở đành phải về quê, lang thang cùng đám dân tứ chiếng, những mong ngày có vài bữa “cơm đen”.

(ĐSPL) - Dặt dẹo khắp nơi với cơn đói thuốc, tay giang hồ cộm cán một thuở đành phải về quê, lang thang cùng đám dân tứ chiếng, những mong ngày có vài bữa “cơm đen”.

Cuộc hành xác kéo dài cả nghìn ngày, lòng quyết tâm thôi chưa đủ, tình yêu, máu và nước mắt mới có thể khiến anh Lương Văn Giang (xóm Tháu, xã Thái Thịnh, TP. Hoà Bình, Hoà Bình) trở lại làm một con người đúng nghĩa. Cũng đã nhiều người tìm đến nhờ anh cứu thoát “chuyến đò của tử thần” và mỗi lần có kẻ ngã đò vì thiếu chữ Tâm lại khiến lòng anh đau xót.

Anh Lương Văn Giang đang kể lại quãng đời của mình.

Cuộc đào thoát khỏi “chuyến đò của tử thần”

Lặng lẽ bước trên con đường đất do anh tự bỏ tiền ra san ủi, chúng tôi ngỡ ngàng xen chút chán nản bởi suốt một hành trình dài mà vẫn còn lạc trong những rừng mơ, rừng táo. Con đường gạt đất vội vàng của máy xúc đã không qua nổi một mùa mưa khiến mọi thứ gần như mất dấu. Len lỏi giữa khu rừng là một ngôi nhà xây ẩn khuất trong thung lũng, trong ngôi nhà ấy, lặng lẽ một Lương Văn Giang bên điếu thuốc lào và ngẫm về cuộc đời. Bên chén rượu nhạt anh tâm sự với chúng tôi về cuộc đời mình. Cuộc đời ấy giống như một cuốn tiểu thuyết theo từng chương hồi, đỉnh cao có, vực sâu có, thậm chí rất dữ dội để rồi đến bây giờ, nó đang lặng lẽ như nước sông Đà trong tiết xuân sang.

Sinh năm 1957  trong một gia đình cơ bản, bố mẹ đều là công chức mà theo anh Giang thì gia đình lúc đó thì giàu chưa phải nhưng về cái ăn cái mặc không phải lo.

Năm 1980, sau khi rời quân ngũ, chàng thanh niên Lương Văn Giang chất chứa trong mình khát vọng làm giàu trên mảnh đất Hòa Bình nghèo khó. Cuộc sống khó khăn, anh xoay xở đủ nghề nhưng chẳng đủ ăn. Một chuyến theo bạn bè ngược dòng sông Đà, thấy nơi đây rất nhiều lâm sản quý hiếm, gỗ rừng bạt ngàn trong khi ở hạ lưu sông Đà, giá gỗ cao ngất ngưởng, Giang quyết tâm khăn gói lên Sơn La để đi buôn bè.

Ngay bè gỗ đầu tiên, Giang đã thu lãi gấp 10 lần. Từ một kẻ tay trắng, Giang vươn lên thành đại gia cỡ bự, tiêu tiền như rác, cộng với cuộc sống giang hồ phiêu bạt nơi rừng thiêng nước độc, anh nghiện ma túy từ bao giờ không nhớ. Chính ma túy đã khiến anh đứt nghiệp. Giấu gia đình, anh lê lết cuộc đời đến thân tàn ma dại. Dặt dẹo khắp nơi với cơn đói thuốc, tay giang hồ cộm cán một thuở đành phải về quê, lang thang cùng đám dân tứ chiếng, những mong ngày có vài bữa “cơm đen”. Cũng đến lúc không thể giấu giếm gia đình được nữa, biết chuyện, người cha già nghiêm khắc tuyên bố sẽ từ mặt con, nếu không cai được nghiện.

Và một buổi chiều 30 Tết năm 1994, khi vợ anh nghe lời gia đình quyết tâm không mua cho chồng một bi (bi thuốc phiện - PV) nào nữa. Lên cơn thèm thuốc, Giang gào thét rồi hất hết đồ sắm tết, quăng quật bát đũa và đánh chửi vợ, còn vợ anh, chị Phạm Thị Huệ lặng lẽ chịu đựng “con ma” đang hành hạ chồng mình. Và cũng sau chiều 30 Tết ấy, Giang quyết tâm cai nghiện. Sau 4 năm lời hứa cai nghiện với gia đình, anh mới có thể làm lại cuộc đời.

Chứng tích của 17 năm sau khi từ giã “chuyến đò của tử thần” chính là khối tài sản anh dựng lên. Từ một khe núi Tháu sỏi đá mà vợ chồng anh bao lần lóp ngóp từ hồ lên, bám cây tụt dốc, vất vả trăm bề đã góp mặt tạo nên diện mạo một vườn rừng hôm nay. Và hơn thế là một Lương Văn Giang chiến thắng tử thần. Thế nhưng, niềm vui chiến thắng tử thần đã không được trọn vẹn khi nhắc lại những bạn nghiện đến với anh để được làm người. Người thành công có, thất bại có...

Đau đáu nỗi niềm...

Khi nghe tin anh cai nghiện thành công, không chỉ khiến bản thân Giang và gia đình hạnh phúc mà nó còn đem lại nhiều hy vọng cho những người trót sa chân vào nghiện ngập muốn làm lại cuộc đời.

Anh tâm sự: “Sau khi thấy tôi cai thành công, cũng có nhiều người đến để cùng tôi cai, cũng có đến cả chục người. Thế nhưng...”, nói đến đây, anh lặng người nhìn xa xăm về phía lòng hồ thủy điện. Trong số những bạn nghiện đến với anh, anh kể về họ với những tâm trạng khác nhau. Có những người cũng đã được vài tháng, thậm chí cắt cơn, thế nhưng, đến khi tái hòa nhập cộng đồng, xa anh một thời gian, họ lại ngựa quen đường cũ, bập vào một cách vô thức.

Đến như anh, khi đã cai thành công nhưng vẫn có những kẻ ghé thuyền gạ gẫm. Trong số những bạn nghiện, anh đau đáu nhất đối với anh H., một người bạn thân nhất của anh. Sự quyết tâm của anh ấy rất lớn, cũng như anh, H. rất quyết tâm đoạn tuyệt ma tuý. H. nguyên là  một công chức, có học thức, có công việc ổn định và địa vị xã hội, thế nhưng ma túy đã phá nát cuộc đời H.. Khi đến gặp anh Giang, H. chỉ nói một câu: “Ông ạ! Tôi muốn làm người”. Anh hỏi lại: “Bạn có quyết tâm thật sự không? Khó lắm đấy, có những lúc bạn sẽ phải thấy ranh giới giữa một bên là tử thần, một bên là cuộc sống, chỉ một bước không vượt qua được là sẽ mất hết tất cả”. Nghe anh nói vậy nhưng H. vẫn quyết tâm cùng anh cai nghiện.

Trải qua hành trình cai nghiện gian khổ, những tiếng gào thét thỉnh thoảng vẫn vang vọng trong thung lũng bởi những cơn vật vã thèm thuốc của H.. Cuối cùng, H. cũng đã dứt được cơn. Thế nhưng H. là người có tiền sử bệnh hen suyễn, cách đây 5 năm, H. lên cơn hen suyễn, gia đình đã dùng ma túy để giảm đau, dứt cơn cho anh. H. đã bị sốc thuốc và mãi mãi ra đi ngay đúng ngày mùng 1 Tết.

Anh Giang tâm sự:  “Nó là thằng quyết tâm nhất và dám làm nhất. Khi nó chết, tôi rất bàng hoàng, buồn bã. Người quyết tâm thì khi vượt qua được lại không chiến thắng nổi bệnh tật”.

Ngoài H. ra, cũng có nhiều người đến để nhờ anh cai, nhưng phần đông trong số họ đều không vượt qua được. Anh Giang buồn bã bảo: “Bọn họ thiếu chữ Tâm, bởi thực tâm nó không muốn cai, không muốn đoạn tuyệt, cứ nói đến với tôi cai nghiện nhưng thực ra lén lút vào trong rừng ăn vụng. Đã có những trường hợp tôi đuổi thẳng về không bao giờ cho quay lại nữa”.

Điển hình trong những người thất bại chính là S., một thanh niên chơi bời, đến khi biết tin anh cai nghiện thành công, bố mẹ S. đã đến gửi S. cho anh. Tuy nhiên, với bản chất lêu lổng không chịu làm, chỉ biết nói hay, S. không thể vượt qua được chính mình và ma tuý đã kéo S. vào địa ngục.

Ngẫm về những người cùng cảnh nghiện đã tìm đến với mình, anh Giang đúc kết: “Để cai nghiện, trước hết bản thân người nghiện phải có ý chí và nhận thức được tác hại của ma túy đối với bản thân. Trong quá trình cai nghiện, người nghiện phải được bồi bổ sức khỏe, tích cực lao động, sản xuất để quên đi cảm giác thèm thuốc. Tuy nhiên, nói ra một câu thì đơn giản, nhưng hành trình từ bỏ nó mới khó. Trong thâm tâm phải có niềm tin mãnh liệt, luôn luôn phải đấu tranh với lương tâm và chiến thắng bản thân mình. Và hơn hết, khi tái hòa nhập cộng đồng, đừng để những người nghiện nhàn rỗi hay kỳ thị, điều đó mới tránh khỏi hiểm họa từ ma túy”.  

Hồi sinh từ vùng đất chết

"Nơi đây xưa kia hoang vu như một vùng đất chết, đã có 4 hộ đến đây nhưng rồi họ cũng bỏ đi hết. Khi tôi đến, cũng chỉ nghĩ mình rấp lại cuộc đời nơi chốn này thôi. Bây giờ, với hàng nghìn gốc hồng, bương, cam quýt cùng hệ thống ao cá, cá lồng, mỗi năm chúng tôi thu được cả trăm triệu đồng. Mặc dù vậy, tôi vẫn ở lại chốn hoang vu đã tái sinh cuộc đời tôi, như một sự tri ân”, anh Lương Văn Giang chia sẻ.

Lại Cường

Xem thêm clip phát hiện mới về máy bay mất tích:

Tin nổi bật