HĐXX xét thấy trong vụ án đường dây buôn "logo xe vua" còn nhiều tình tiết cần được làm rõ thêm nên đã quyết định trả hồ sơ, điều tra bổ sung.
Chiều 19/4, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án Đưa hối lộ và Môi giới hối lộ đối với Nguyễn Cảnh Chân (nguyên cán bộ Đội 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai), Nguyễn Văn Thới, Trần Quốc Thái, Lê Thị Cẩm Vân cùng 6 đồng phạm.
Kết thúc phần thẩm vấn của VKS với các bị cáo, HĐXX đã tạm dừng phiên tòa để hội ý. Sau đó, vị chủ tọa thông báo trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì xét thấy vụ án còn nhiều tình tiết cần được làm rõ thêm.
Theo báo Công an Nhân dân, trước đó, quá trình xét hỏi tại toà, bị cáo Thới nhận có in logo để bán nhưng cho rằng số “logo xe vua” bán không tới 15.000 lượt xe như cáo trạng. Bị cáo không nhớ con số cụ thể là bao nhiêu nhưng chỉ khoảng 500-600 xe.
Các bị cáo tại tòa - Ảnh: Công an Nhân dân |
Số tiền thu được bị cáo chuyển cho bị cáo Chân, 1 phần để đóng phạt, 1 phần mướn xe ôm canh đường. Về số tiền bán “logo xe vua” thu lợi 23 tỷ đồng như cáo trạng nêu, Thới nói không nhớ cụ thể số tiền nhưng cáo trạng nêu đến 23 tỷ đồng là con số quá lớn.
Về số tiền đưa hối lộ cho một số TTGT như cáo trạng nêu, Thới nói bị cáo không bàn bạc với ai. Trong quá trình chạy xe do bị xử phạt nhiều nên bị cáo tự in logo để bán.
Theo Vnexpress, trong khi đó, cầm đầu một đường dây bán logo khác, hoạt động chủ yếu tại TP HCM, Lê Thị Cẩm Vân cũng thay đổi lời khai. Bà chủ doanh nghiệp vận tải gạch thừa nhận có in logo bán cho tài xế nhưng số lượng xe và số tiền 7 tỷ đồng thu lợi bất chính như cáo trạng quy kết là không đúng.
Vân khai, trong hơn 4 tháng hoạt động chỉ bán logo Xe chở hàng cho khoảng 800 xe, thu được 2 tỷ đồng.
Vân cũng bác bỏ cáo buộc "thỏa thuận với một số cán bộ Đội 7, 8 Thanh tra giao thông TP HCM đưa hơn 627 triệu đồng tiền hối lộ". Vân nói rằng chỉ biết một số CSGT trong những lần xe của mình bị phạt. Trường hợp khác là tài xế lúc bị xử phạt đã xin số điện thoại của CSGT đưa cho Vân gọi nói chuyện, chứ không gặp trực tiếp nên không nhớ.
"Bị cáo nhận diện được một số CSGT là do những người này từng phạt bị cáo, chứ họ không phải9 là người bị cáo thỏa thuận để đưa hối lộ như cáo trạng nêu", Vân nói.
Tuy nhiên, Vân thừa nhận có nhờ nhân viên của mình là Thắng mang 158 triệu đồng, đựng trong túi đen, đưa cho cán bộ Đội 7, kèm số điện thoại. Với Đội 8 Vân chỉ làm việc qua điện thoại. Khi đưa tiền cho họ Vân nhờ Nhân (em rể) mang đến nhưng tổng cộng không đến 169 triệu đồng như kết luận điều tra.
Báo Người Lao Động trích dẫn cáo trạng thể hiện, các đối tượng in logo có ký hiệu đặc biệt để bán cho các chủ xe, lái xe với giá từ 2,5 đến 3 triệu đồng/chiếc. Đường dây mua bán "logo xe vua" do Thới cầm đầu hoạt động từ tháng 1/2014 đến tháng 8/2015 và đã bán cho 15.000 lượt xe, thu lợi bất chính gần 23 tỉ đồng. Để làm ăn trôi chảy, Thới đưa hối lộ 79 lần với tổng số tiền gần 5 tỉ đồng. Ngoài ra, Thới và Thái đưa cho các đội, trạm CSGT tổng cộng 1,3 tỉ đồng. Riêng Thái khai đã có 39 lần đưa hối lộ với tổng số tiền 2,2 tỉ đồng và hưởng lợi 360 triệu đồng. Số tiền còn lại hơn 17,8 tỉ đồng, Thới sử dụng nộp phạt cho các xe đã mua logo nhưng vẫn bị lập biên bản, trả tiền thuê xe ôm báo tin và bản thân hưởng lợi 1,3 tỉ đồng. Tương tự, Lê Thị Cẩm Vân và những người khác cùng trú tại TP HCM cũng in logo cho các chủ xe dán lên kính trước để làm "bùa hộ mệnh" chở quá tải. Từ tháng 5 đến tháng 8-2015, Vân và các đồng phạm đã bán logo thu về gần 8 tỉ đồng. |
Cự Giải (T/h)