Sáng nay (5/9), hàng triệu học sinh cả nước dự lễ khai giảng năm học mới mà chỉ được nghe tiếng trống khai trường qua sóng truyền hình hay máy tính.
Tại TP.HCM, khác với dự kiến ban đầu, thành phố tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2021-2022 đặc biệt tại điểm trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) với sự tham dự của nhiều lãnh đạo thành phố.
Buổi lễ được phát trực tuyến trên kênh truyền hình HTV, trên kênh HTV9, HTV4 và kênh Youtube HTV Tin tức.
Buổi lễ có sự tham dự của ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch, lãnh đạo sở GD&ĐT… thầy cô giáo và đại diện 10 học sinh cho 3 khối lớp của trường.
Sau lễ chào cờ, mọi người đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ nạn nhân mất vì đại dịch COVID-19.
Mặc niệm tưởng nhớ nạn nhân mất vì COVID-19. Ảnh: VietNamnet
Tuổi Trẻ Online dẫn lời bà Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng trường THTP chuyên Lê Hồng Phong, đọc diễn văn khai giảng.
Cô Hiền bày tỏ: "Dù rằng đương đầu khó khăn, đối diện thử thách nhưng đây là cơ hội để nhìn lại, để sáng tạo. Dạy và học trực tuyến là cơ hội cho giáo viên tự bồi dưỡng tự tìm tòi, để thay đổi phương pháp quản lý, phương pháp dạy học, giữ thành tích của nhà trường.
Bước vào năm mới trong hoàn cảnh này là khó khăn, nhưng bằng ý thức, niềm tin, nhiệt huyết, trí lực tuổi trẻ để phấn khởi bước vào năm học mới, cô mong các em đủ bản lĩnh, năng lực, biến khó khăn thành cơ hội".
Học sinh dành phút mặc niệm nạn nhân qua đời vì COVID-19 trong buổi lễ khai giảng năm học mới. Ảnh: Tuổi Trẻ Online
Cũng tại buổi lễ khai giảng đặc biệt, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM đọc thư Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi giáo viên và học sinh ngày khai trường.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM gửi lời chào mừng năm học mới tới hơn 80.000 giáo viên cùng gần 1,7 triệu học sinh thành phố.
"Sự có mặt ở đây cũng như sự theo dõi trực tuyến của quý vị, thầy cô giáo, các em học sinh chứng tỏ thành phố chúng ta quyết tâm vững bước tiến vào năm học mới", VietNamnet dẫn lời ông Mãi nói.
Theo Chủ tịch TP.HCM, thành phố đang trải qua những ngày khó khăn khi đối mặt với dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ba tháng qua vì thực hiện giãn cách xã hội như một biện pháp tất yếu để khống chế dịch bệnh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các mặt của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục.
"Ngày đầu năm học mà sân trường không cờ hoa, không lễ hội. Thầy trò, bạn bè không được tay bắt mặt mừng. Từ ngày mai chúng ta tiếp tục thực hiện chương trình học tập trên không gian mạng, truyền hình và kiên nhẫn thực hiện triệt để các biện pháp cần thiết để kiểm soát dịch bệnh góp phần bảo vệ sức khỏe cho bản thân gia đình và xã hội.
Cuộc sống lúc nào cũng đặt ra những thử thách để con người vượt qua và đi tới. Thành phố chúng ta đang đối diện với thử thách lớn lao nhất kể từ ngày đất nước được hòa bình thống nhất, thế nhưng giữa muôn vàn khó khăn chúng ta vẫn không chùn bước và không đánh mất niềm tin.
Trung ương Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và đồng bào cả nước là chỗ dựa vững chắc cho chúng ta trong các nỗ lực bệnh ứng phó với dịch bệnh. Bên cạnh những rào chắn ngang đường bất đắc dĩ là những mạch ngầm thông suốt trong chỉ đạo, điều hành là sự kết nối bền bỉ của những tấm lòng ái. Qua những lô vắc xin mà thế giới và Trung ương chia sẻ với thành phố, qua những chuyến xe đưa thuốc men, lương thực, thực phẩm cứu trợ đến từng con hẻm nhỏ. Trong cơn bão của đại dịch, tình cảm đồng bào, tình nghĩa Bắc Nam, tình đoàn kết được phát huy mạnh mẽ…
Những thuận lợi đó, cho phép chúng ta tin tưởng rằng thành phố sẽ vượt qua khó khăn, duy trì và tái lập những hoạt động thiết yếu trong đó giáo dục là hoạt động đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến từng gia đình và toàn xã hội, để thành phố xứng đáng là một trung tâm kinh tế văn hóa năng động và sáng tạo của đất nước".
Năm học mới, ông Phan Văn Mãi, kêu gọi tập thể sư phạm của từng ngôi trường, từng thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục phát huy lòng yêu nghề, sự năng động, sáng tạo kiên trì cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh để mỗi thầy giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.
Dịch COVID-19 lan rộng khiến học sinh chưa thể đến trường nhưng không thể ngăn chặn các em trau dồi phẩm chất, đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống và chinh phục tri thức…
Chủ tịch TP.HCM mong học sinh hiểu rằng trong giai đoạn này biết bao người dân của TP, trong đó có người thân của các em cũng gặp nhiều khó khăn, và phải thích nghi với cuộc sống đang thay đổi.
10 học sinh của 3 khối lớp đại diện dự lễ khai giảng năm học. Ảnh: Tuổi Trẻ Online
Ông Mãi khẳng định, trong hoàn cảnh thành phố còn ngổn ngang nỗi lo nhưng Đảng bộ và nhân dân đồng hành với ngành giáo dục và luôn xem sự tiến bộ của giáo dục là tiêu chí của sự phát triển.
Trong kế hoạch công tác sắp tới, thành phố dự định tổ chức tìm đủ hai mũi vaccine cho tất cả cán bộ quản lý, nhà giáo nhân viên trường học trước 20/11 năm nay.
Đồng thời sẽ đề xuất bộ Y tế tiêm vaccine cho các em ở độ tuổi 12 đến 18. Khi khống chế cơ bản được dịch bệnh sẽ đưa học sinh từ tiểu học đến trung học trở lại trường theo lộ trình thích hợp, trước mắt là ở các quận huyện đã kiểm soát được dịch bệnh với điều kiện sắp xếp phòng học và lịch học hợp lý cũng như tuân thủ nguyên tắc 5k.
Thủy Tiên (T/h)