Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

TP.HCM kiến nghị bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì 2%

(DS&PL) -

Theo sở Xây dựng, việc hình thành quỹ bảo trì phần sở hữu chung của từng chung cư sẽ do Ban quản trị chung cư thu của cư dân trong quá trình quản lý, sử dụng...

Theo sở Xây dựng, việc hình thành quỹ bảo trì phần sở hữu chung của từng chung cư sẽ do Ban quản trị chung cư thu của cư dân trong quá trình quản lý, sử dụng theo tỷ lệ do Hội nghị nhà chung cư quyết định.

Ngày 28/5, sở Xây dựng TP.HCM cho biết đã có báo cáo trình UBND TP.HCM và bộ Xây dựng kiến nghị về việc bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư như hiện nay.

Cụ thể, theo sở Xây dựng, việc hình thành quỹ bảo trì phần sở hữu chung của từng chung cư sẽ do Ban quản trị chung cư thu của cư dân trong quá trình quản lý, sử dụng theo tỷ lệ % do Hội nghị nhà chung cư quyết định. Do đó, để giải quyết các tranh chấp liên quan đến phí bảo trì nhà chung cư, cần điều chỉnh quy định pháp luật về nội dung cưỡng chế chủ đầu tư bàn giao phí bảo trì theo hướng các bên khởi kiện tại tòa án nhân dân theo pháp luật về tố tụng dân sự.

TP.HCM kiến nghị bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì 2%. Ảnh minh họa

Thông tin từ sở Xây dựng cho biết, TP.HCM hiện có 1.401 chung cư với 2.119 block. Qua thống kê cho thấy, hiện chỉ có 194 nhà chung cư đã và đang thực hiện bàn giao phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư. Tại nhiều chung cư, chủ đầu tư không tổ chức Hội nghị nhà chung cư.

Ngoài ra, có một số chủ đầu tư muốn “ôm” quản lý vận hành nhà chung cư, qua đó quản lý luôn phần kinh phí bảo trì và sử dụng phần diện tích thuộc sở hữu chung của cư dân. Một số chung cư đã được thành lập ban quản trị, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị. Từ đó dẫn đến tranh chấp gay gắt giữa cư dân với chủ đầu tư, do chung cư xuống cấp nhưng không có tiền bảo trì.

Liên quan vụ quản lý phí bảo trì chung cư, vừa qua, TP. Hà Nội đã có văn bản ủy quyền cho UBND huyện Hoài Đức ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì 2% nhà chung cư 18T1, 18T2 The Golden An Khánh, huyện Hoài Đức.

Văn bản do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nguyễn Đức Chung ký nêu rõ: UBND TP. Hà Nội ủy quyền cho UBND huyện Hoài Đức ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì 2% đối với Công ty Cổ phần Sông Đà – Hoàng Long – Chủ đầu tư, để bàn giao cho Ban quản trị nhà chung cư 18T1, 18T2 The Golden An Khánh, xã An Khánh, huyện Hoài Đức.

UBND huyện Hoài Đức phải có trách nhiệm giám sát, kiểm tra, đôn đốc về việc thực quyết định cưỡng chế thu hồi quỹ bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư 18T1, 18T2 The Golden An Khánh, xã An Khánh, huyện Hoài Đức.

Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội, UBND huyện Hoài Đức,Thủ trưởng các sở, ban, ngành: Xây dựng, Tài chính, Cục Thuế, Công ty Cổ phần Sông Đà – Hoàng Long và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Vào ngày 19/5, Sở Xây dựng cũng đã gửi văn bản thông tin cho Ban quản trị tòa nhà 18T1, 18T2 The Golden An Khánh, huyện Hoài Đức về việc này.

Liên quan đến công tác này, sở Xây dựng Hà Nội cũng đã thành lập Đoàn kiểm tra công tác quản lý nhà nước trong việc quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố.

Được biết, đến nay, sở Xây dựng Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố ra văn bản yêu cầu 20 chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị, ban hành 2 quyết định cưỡng chế với 2 chủ đầu tư; công khai danh sách 13 chủ đầu tư chây ỳ không bàn giao kinh phí bảo trì.

Việc chủ đầu tư 'chây ỳ' không bàn giao kinh phí bảo trì là hành vi chiếm hữu tài sản của người khác. Đây là tranh chấp thuộc quyền giải quyết của tòa án. Do đó, UBND thành phố đề nghị, Bộ Xây dựng thống nhất với Bộ Tư pháp về quan điểm xây dựng quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư và các nội dung quy chế theo hướng tôn trọng các nguyên tắc dân sự, hạn chế đặt ra các quy định sử dụng quan hệ điều hành - chấp hành để giải quyết quan hệ pháp luật dân sự.

Vũ Đậu (T/h)

Tin nổi bật