Người lao động đưa tin, ngày 13/10, UBND TP.HCM đã có quyết định công nhận danh sách địa bàn không đủ trường tiểu học công lập tại TP.HCM năm học 2023 - 2024.
Theo danh sách, TP.HCM có 147 phường, xã, thị trấn được xác định là địa bàn không đủ trường tiểu học công lập. Theo danh sách này, hầu hết các quận, huyện và TP.Thủ Đức đều có phường, xã không đủ trường tiểu học công lập. Chẳng hạn tại quận 1 có 4 phường không đủ gồm: Phường Cô Giang, Cầu Kho, Cầu Ông Lãnh, Đakao. TP.Thủ Đức là địa phương có nhiều phường, xã thiếu trường tiểu học công lập nhất với 33 phường. Quận Bình Tân có 9 phường, quận Tân Bình có 15 phường...
Riêng quận 3, quận 5, quận Phú Nhuận, huyện Cần Giờ không có phường, xã, thị trấn thỏa mãn một trong hai tiêu chí quy định tại nghị quyết số 05 năm 2023 của HĐND TP.HCM.
Theo Luật Giáo dục, học sinh tiểu học được miễn học phí công lập. Nếu địa bàn không đủ trường công, học sinh theo học ở các cơ sở giáo dục tư thục được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do hội đồng nhân dân địa phương quyết định.
Tuy nhiên, hiện TP.HCM chưa có quy định cụ thể về việc này. Việc xác định địa bàn không đủ trường tiểu học công lập sẽ là căn cứ để thành phố xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ học phí.
XEM THÊM: TP.HCM khuyến khích sinh viên sử dụng xe buýt nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông
Năm học này TP.HCM có hơn 1,7 triệu học sinh, trẻ mầm non, tăng hơn 35.000 so với năm trước. Tại hội nghị đánh giá các chương trình, đề án đổi mới giáo dục hồi tháng 8, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT nói hàng năm thành phố có thêm 10.000-15.000 học sinh mỗi độ tuổi, nhiều trường học quá tải. Do đó, 22 quận, huyện cần tham mưu cho UBND dành đất xây trường học.
Theo tính toán của Sở, với quy mô và tốc độ tăng dân số như hiện nay, để đạt chỉ tiêu 300 phòng học trên 10.000 dân trong độ tuổi đi học (3-18 tuổi) vào năm 2025, thành phố cần hơn 8.000 phòng học mới, theo VnExpress.
Phương Linh (T/h)