Theo báo Pháp luật TP.HCM, UBND TP.HCM mới đây đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn từ ngày 15/8 đến ngày 15/9 nhằm đánh giá tình hình dịch bệnh, mở rộng "vùng xanh", thu hẹp "vùng đỏ" tiến tới kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh.
Theo đó, kế hoạch này sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn:
Từ ngày 15/8 đến 22/8, thực hiện giải phóng vùng sạch và đánh giá nguy cơ tại các vùng có tỷ lệ lây nhiễm cao.
Từ ngày 23/8 đến ngày 31/8, thực hiện tách nguồn lây nhiễm mạnh.
Từ ngày 1/9 đến ngày 15/9, duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng.
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết tại TP Hồ Chí Minh, phong trào "Mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID-19" được chia làm ba nhóm: khu phố - ấp; phường - xã - thị trấn; thành phố Thủ Ðức và các quận, huyện. Mục tiêu phong trào là kéo giảm số F0 phát sinh trong cộng đồng hằng ngày trên từng địa bàn để giảm cấp độ màu tùy theo từng địa phương nhằm xanh hóa toàn Bản đồ COVID-19 của Thành phố trong thời gian tới.
TP.HCM tổ chức xét nghiệm mở rộng "vùng xanh" trên địa bàn. Ảnh minh hoạ: Pháp luật TP.HCM
Cụ thể, các tổ dân phố được xác định là "vùng xanh" bao gồm những nơi trên 14 ngày không có ca F0 mới. Tổ dân phố có mức nguy cơ rất cao, được xếp vào "vùng đỏ" là những khu vực trong 7 ngày có 3 hộ gia đình có ca F0 trở lên.
Trong đó, các vùng xanh, cận xanh được thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp 10 đại diện hộ gia đình tại các tổ dân phố, tổ nhân dân với tần suất 2 lần, mỗi lần cách nhau 7 ngày. Vùng này được giải phóng khi không có trường hợp dương tính sau 2 lần xét nghiệm hoặc có trường hợp dương tính nhưng chỉ số CT lớn hơn 30, có tỷlệ tiêm chủng đạt 50%, đảm bảo thực hiện giãn cách trong cộng đồng.
Tại các vùng nguy cơ cao và rất cao, lực lượng chức năng sẽ tiến hành xét nghiệm nhằm thu hẹp phạm vi, biến khu phong tỏa thành điểm phong tỏa, thực hiện xét nghiệm gộp mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên theo hộ gia đình.
Bên cạnh đó, ở những nơi ngoài khu vực phong tỏa, lực lượng chức năng cũng sẽ thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn đối với người có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh. Tùy vào điều kiện thực tiễn, thực hiện giám sát ngẫu nhiên ở địa bàn dân cư có nhiều yếu tố nguy cơ lây nhiễm theo phương pháp mẫu gộp hộ gia đình bằng test nhanh hoặc RT-PCR.
Thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn hoặc test nhanh người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID-19 hoặc người có yếu tố nguy cơ là những người từ 65 tuổi trở lên, người có bệnh lý nền, người béo phì, có yếu tố dịch tễ (sống chung nhà với F0 hoặc có tiếp xúc với F0).
Trong đó, việc lấy mẫu xét nghiệm sẽ do đội lấy mẫu của địa phương thực hiện hoặc người dân được phép tự lấy mẫu theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Đối với trường hợp người dân có thể tự lấy mẫu, nhân viên y tế hoặc đội lấy mẫu sẽ cung cấp dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm cho các hộ dân và thu thập ngay kết quả.
Đối với các đơn vị đang được phép hoạt động ở một số lĩnh vực có tiếp xúc nhiều như: Y tế, quân đội, công an, nhà máy, doanh nghiệp, giao hàng (shipper)..., ngoài việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như quy định hoặc hướng dẫn của các cơ quan chức năng, cần chủ động giám sát bằng test nhanh hoặc RT-PCR trên nguyên tắc tự xây dựng kế hoạch, tự thực hiện, tự xét nghiệm, tự kiểm tra đối với nhân viên của đơn vị mình vào định kỳ mỗi 7 ngày.
Về xét nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long gợi ý TP.HCM để người dân tự test nhanh, nếu dương tính thì tiếp tục được làm xét nghiệm khẳng định lại bằng phương pháp RT-PCR. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng thông tin vào ngày 20/8, Bộ Y tế sẽ đưa 10 xe xét nghiệm phục vụ TP, mỗi xe 2.000- 3.000 mẫu đơn, nhân lực xét nghiệm do Bộ Y tế chịu trách nhiệm, hoạt động của các xe xét nghiệm này đặt dưới quyền điều hành của TP.HCM.
Minh Hạnh (T/h)