"Chúng ta cũng cần một ngành công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ hơn. Vũ khí và đạn dược dự trữ của chúng ta đã cạn kiệt và cần được bổ sung. Không chỉ ở Đức mà còn ở nhiều quốc gia trong NATO", Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết tại một hội nghị công nghiệp ở Đức hôm 19/6 đồng thời nhấn mạnh khối quân sự “phải tiếp tục hỗ trợ Ukraine” như họ đã làm từ năm 2014.
Kho vũ khí của NATO đã cạn kiệt. Ảnh: Getty Images
Ngoài ra, ông Stoltenberg tiết lộ đã gặp các đại diện của ngành công nghiệp quân sự vào tuần trước để thảo luận về cách tốt nhất để tăng cường sản xuất và hợp lý hóa chuỗi cung ứng. Theo ông, đây chính là chìa khóa giúp duy trì sự hỗ trợ của NATO dành cho Ukraine.
Vị quan chức cấp cao của NATO cũng nhắc lại rằng Ukraine chiến thắng trên chiến trường sẽ mang lại một nền hòa bình công bằng và lâu dài. Chỉ tính riêng trong năm 2022, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã viện trợ cho Kiev hơn 100 tỷ USD bao gồm vũ khí và đạn dược.
Tuy nhiên, mới đây tờ New York Times dẫn thông tin từ quân đội Ukraine cho biết khoảng 30% trong số vũ khí được viện trợ cần phải được sửa chữa hoặc không sử dụng được trên chiến trường.
Các lực lượng của Ukraine đã cố gắng tiến hành các hoạt động phản công quy mô lớn ở mặt trận phía Nam và phía Đông trong 2 tuần qua. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar ngày 19/6 cho biết Kiev đã giành lại quyền kiểm soát ngôi làng thứ 8 sau phản công.
Các chuyên gia quân sự phương Tây nhận định Ukraine đến nay vẫn chưa có được bất kỳ bước tiến mang tính bước ngoặt nào. Trong khi đó, thông tin từ tình báo Anh cho thấy cả Moscow và Kiev đều đang chịu tổn thất nặng nề về vật lực cũng như nhân lực.
Phương Uyên (Theo RT)