Trở về Paris (Pháp) sau khi dự hội nghị tại Amman (Jordan), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi châu Âu tăng cường khả năng phòng thủ và giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ.
Theo đó, ông chủ Điện Elysse nhấn mạnh, việc phát triển sức mạnh này của châu Âu không phải để thay thế NATO. Ông Macron cho rằng một châu Âu hùng mạnh hơn sẽ có quyền tự trị trong liên minh. Ông nói rằng châu Âu sẽ hoạt động "trong NATO, cùng NATO nhưng không phụ thuộc vào NATO".
Tổng thống Pháp chia sẻ: "Liên minh này không phải một thứ tôi nên dựa dẫm vào. Đó là thứ mà tôi lựa chọn, tôi làm việc cùng. Chúng ta cần phải suy nghĩ lại về quyền tự trị chiến lược của mình".
Tổng thống Macron thời gian qua đã khiến Ukraine và một số đồng minh phương Tây tức giận khi kêu gọi một đảm bảo về mặt an ninh cho Nga như một phần thúc đấy tiến trình đàm phán hòa bình, chấm dứt cuộc xung đột hiện nay và ngăn chặn nguy cơ xung đột lan rộng khắp châu Âu.
Nói thêm về vấn đề xây dựng châu Âu, ông Macron cho hay: "Châu Âu cần tìm cách tăng cường quyền tự chủ trong năng lực công nghệ và phòng thủ, kể cả với Mỹ".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters
Ông chủ Điện Elysse cho biết thêm, ông ủng hộ kế hoạch "phòng thủ hoàn toàn cho Ukraine". Ông nhận định thắng lợi của Ukraine trên mặt trận cần phải được hệ thống hóa trong "một văn bản mới cho một trật tự mới có thể đảm bảo nhằm đảm bảo sự ổn định chính trị và an ninh của khu vực này và cả châu Âu".
Theo Tổng thống Pháp, những đảm bảo an ninh dưới kiến trúc mới này có thể được áp dụng với cả Ukraine và Nga, cũng như những nước láng giềng của họ bao gồm Azerbaijan, Gruzia, Moldova và Armenia. Tổng thống Pháp lưu ý: "Khi tôi nói tới những sự đảm bảo, tôi đang nhắc tới tất cả các quốc gia gia này, chúng tôi và cả Nga".
Trong những tháng qua, cuộc xung đột tại Ukraine đã đoàn kết các nước phương Tây đối đầu với nga và làm nổi bật tầm quan trọng của NATO trong việc bảo vệ châu Âu. Mỹ và châu Âu đã triển khai lực lượng đến một số nước đồng minh trong NATO gần Ukraine, đồng thời tiếp tục viện trợ cho Ukraine - quốc gia chưa phải thành viên NATO. Các kho vũ khí viện trợ khổng lồ từ phương tây tới Ukraine bao gồm pháo hạng nặng và nhiều vũ khí tiên tiến khác, góp phần giúp Kiev bảo vệ lãnh thổ của mình.
Ngày 21/12 (giờ địa phương), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng. Cuộc gặp cấp cao này là một nỗ lực nhằm kêu gọi sự ủng hộ về mặt chính trị tại Mỹ. Được biết, từ khi xung đột nổ ra đến nay, Mỹ đang là quốc gia viện trợ cho Ukraine lượng vũ khí lớn nhất trong số các đồng minh.
Dù vậy, việc cung cấp vũ khí viện trợ số lượng lớn cho một cuộc xung đột chưa rõ hồi kết cũng là một bài toán khó với các nước phương Tây. Các quốc gia hàng đầu NATO là Mỹ, Đức và Pháp đang chịu áp lực nặng nề trong việc sản xuất thêm vũ khí khi các kho vũ khí dự trữ của họ cạn kiệt dần sau những đợt viện trợ.
Tổn thất lớn từ cuộc xung đột với cả Nga và phương Tây đã đặt ra sự cần thiết với một giải pháp ngoại giao, trong đó Tổng thống Macron đang cố gắng đạt được. Cuối tháng 11, ông Macron đã dến Washington (Mỹ) để gặp gỡ người đồng cấp Mỹ - Tổng thống Joe Biden. Trao đổi với kênh French TV sau cuộc gặp, ông Macron cho biết 2 nhà lãnh đạo đã thảo luận về "một kiến trúc an ninh mà chúng ta có thể cùng tồn tại".
Ông Macron nhận xét: "Một trong những điểm quan trọng chúng ta cần phải nhắc tới, như những gì Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói, là về nỗi lo NATO hiện diện ngay trước ngưỡng cửa và triển khai vũ khí gây ra mối đe dọa với Nga".
Minh Hạnh (Theo Wall Street Journal)