Ngày 12/6 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden ca ngợi các đề xuất hạn chế từ các thượng nghị sĩ về việc kiểm soát bạo lực súng đạn của nước này. Ông coi đây là "bước quan trọng", đồng thời lưu ý rằng họ không chấp nhận lời kêu gọi của ông về sự thay đổi triệt để hơn, AFP đưa tin.
Ông Joe Biden cho biết: "Kế hoạch này chưa triệt để nhưng nó phản ánh những bước quan trọng và đúng hướng, đồng thời sẽ là đạo luật an toàn súng quan trọng nhất được Quốc hội Mỹ thông qua trong nhiều thập kỷ. Với sự ủng hộ của lưỡng đảng, không có lý do gì để trì hoãn kế hoạch này và nó nên nhanh chóng được chuyển qua Thượng viện và Hạ viện".
Tổng thống Biden đã thúc đẩy nhiều cải cách hạn chế súng đạn thiết thực hơn, bao gồm lệnh cấm súng trường tấn công - loại súng được sử dụng trong vụ xả súng tại một trường tiểu học ở Texas khiến 21 người thiệt mạng và một siêu thị ở bang New York khiến 10 người chết - hoặc ít nhất là số tuổi của người mua súng cần được tăng lên.
Ông Biden cũng kêu gọi các nhà lập pháp tăng cường kiểm tra lý lịch, yêu cầu cất giữ an toàn vũ khí và các nhà sản xuất súng phải chịu trách nhiệm về những tội ác gây ra từ sản phẩm của họ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc đẩy nhiều cải cách thiết thực hơn, bao gồm lệnh cấm súng trường tấn công. Ảnh: Reuters.
Ngày 12/6, một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ đã đạt được thỏa thuận dự kiến về luật an toàn súng đạn mới sau nhiều vụ xả súng hàng loạt vào tháng trước ở Texas và New York.
Các thượng nghị sĩ Chris Murphy - đảng Dân chủ ở Connecticut và John Cornyn - đảng Cộng hòa ở Texas cho biết kế hoạch bao gồm việc cấp các khoản tài trợ cho các bang để ban hành và thực hiện luật cảnh báo rằng, tòa án cần tước quyền sở hữu súng ở những người có mối nguy tiềm tàng, đồng thời tài trợ nhiều hơn cho các dịch vụ sức khỏe, an toàn trường học.
Thỏa thuận cũng bao gồm các điều khoản nhằm bổ sung hồ sơ có sẵn để kiểm tra lý lịch của những người mua súng ở độ tuổi trẻ và đảm bảo rằng những kẻ lạm dụng bạo lực gia đình sẽ bị kết án hoặc những người liên quan đến bạo lực gia đình được đưa vào hệ thống quốc gia để kiểm tra lý lịch.
20 thượng nghị sĩ tham gia cuộc đàm phán cho biết trong một tuyên bố: "Các gia đình đang sợ hãi và nhiệm vụ của chúng ta là phải cùng nhau làm điều gì đó sẽ giúp khôi phục cảm giác an toàn và an ninh trong cộng đồng của họ".
Bích Thảo (Theo Bloomberg, AFP)