Tình hình dịch virus corona ngày 6/6: "Mỗi phút một người" vì Covid-19 ở Brazil; Châu Phi kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ công tác ứng phó với dịch Covid-19;...
Theo số liệu cấp nhất trên trang worldometers, tính đến 14h ngày 6/6 (giờ Hà Nội), tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã tăng lên 6.862.700, trong đó có 398,496 trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, 3,361,577 bệnh nhân đã được chữa khỏi và hồi phục.
"Mỗi phút một người" vì Covid-19 ở Brazil
Tổng thống Brazil Bolsonaro (áo đỏ) không đéo khẩu trang, đứng giữa những người biểu tình. Ảnh: Getty |
Phát biểu trước các phóng viên ngày 5/6, Tổng thống Jair Bolsonaro cho biết Brazil sẽ cân nhắc rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nếu cơ quan này không chấm dứt việc trở thành một “tổ chức phe phái chính trị”.
Tuyên bố của tổng thống Brazil được đưa ra sau khi WHO cảnh báo chính phủ các nước, đặc biệt tại khu vực Mỹ Latinh, về những rủi ro có thể xảy ra nếu dỡ bỏ phong tỏa trước khi kiểm soát được tốc độ lây lan của virus corona.
Brazil mới đây đã vượt qua Italia và hiện chỉ đứng sau Mỹ và Anh về số ca tử vong do Covid-19. Nước này cũng đứng thứ 2 thế giới về số ca nhiễm bệnh.
Theo thống kê của Worldometers, Brazil hiện ghi nhận 35.047 người chết vì virus corona, trong khi số ca nhiễm đã lên tới 646.006 người.
Bài viết đăng trên trang nhất của Folha de S.Paulo đưa tin, đã 100 ngày trôi qua kể từ khi Tổng thống Bolsonaro mô tả Covid-19, loại virus mà nhật báo Brazil mô tả “cứ mỗi phút giết chết một người Brazil”, là bệnh “cúm nhẹ”.
“Trong khi các bạn đang đọc bài viết này, lại có thêm một người Brazil chết vì Covid-19”, bài viết nêu rõ.
Châu Phi kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ công tác ứng phó với dịch Covid-19
Châu Phi kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ công tác ứng phó với dịch Covid-19. Ảnh: THX |
Ngày 5/6, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ cho sáng kiến Hợp tác đẩy mạnh chiến dịch xét nghiệm Covid-19 tại châu Phi (PACT), trong bối cảnh tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 đang ngày một gia tăng tại châu lục với 1,3 tỷ dân này.
Theo Giám đốc CDC châu Phi John Nkengasong, sáng kiến PACT do Liên minh châu Phi (AU) khởi xướng hiện được xem là phương thức duy nhất để ứng phó với dịch Covid-19 tại Lục địa Đen, đặc biệt khi các ca lây nhiễm mới không ngừng tăng cao trong thời gian gần đây.
Theo đó, PACT hoạt động theo cơ chế hợp tác giữa CDC châu Phi, các thành viên AU cùng các nhà tài trợ trong việc thu mua, lưu trữ, phân phối các bộ kit xét nghiệm Covid-19, cũng như trong quá trình triển khai xét nghiệm cho hàng chục triệu trường hợp nghi nhiễm. Bên cạnh đó, nguồn lực từ PACT cũng sẽ được sử dụng để huy động khoảng 1 triệu nhân viên y tế cộng đồng trên khắp châu lục.
WHO lần đầu khuyên người khỏe mạnh nên đeo khẩu trang
WHO khuyên người khỏe mạnh nên đeo khẩu trang. Ảnh: Reuters |
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 5/6 thay đổi lời khuyên đeo khẩu trang giữa đại dịch Covid-19, lần đầu tiên nói rằng công chúng nên đeo khẩu trang ở những nơi virus đang lan rộng và khó đảm bảo giãn cách xã hội.
"Với những bằng chứng đang có được, WHO khuyến nghị các chính phủ nên khuyến khích công chúng đeo khẩu trang ở những nơi có sự lây nhiễm rộng rãi và khó đảm bảo giãn cách xã hội" - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO, nói.
Tại các khu vực có sự lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, "chúng tôi khuyên những người từ 60 tuổi trở lên, hoặc những người có bệnh nền nên đeo khẩu trang y tế trong những tình huống không thể giữ khoảng cách", theo ông Tedros.
Dù vậy, WHO nhấn mạnh rằng chỉ một mình khẩu trang "sẽ không thể bảo vệ các bạn khỏi Covid-19", và những người đang nhiễm virus corona chủng mới gây ra căn bệnh này nên tránh xa cộng đồng nếu có thể tránh được.
Ngoài ra, WHO vẫn duy trì lời khuyên rằng những người có triệu chứng Covid-19 nên ở nhà và phải đeo khẩu trang y tế nếu thật sự cần thiết phải ra khỏi nhà.
Hoa Vũ (T/h)