Người Kurd bất ngờ muốn đẩy Nga ra khỏi thành phố ở Aleppo
Tờ Al-Quds cho hay, người Kurd không chào đón binh sĩ Nga hiện diện tại thành phố Kobani, tỉnh Aleppo nhưng họ vẫn có ý định tiếp tục đàm phán với Moscow về một khu định cư khác ở Đông Bắc Syria.
Người Kurd không chào đón sự hiện diện của quân đội Nga ở Kobani, tỉnh Aleppo, Syria. Ảnh minh họa
Theo thông báo, Ủy ban điều hành của Hội đồng Dân chủ Syria (SDC) đã bác bỏ đề xuất của Nga về việc gửi quân đội nước này tới đóng tại thành phố Kobani, lý do là bởi họ lo ngại sự lặp lại của kịch bản dàn xếp từng được áp dụng ở Daraa.
Nói cách khác, người Kurd sợ rằng dưới vỏ bọc quân đội Nga, binh sĩ Damascus sẽ đến khu vực và giành quyền kiểm soát thành phố từ tay họ, tức là sẽ thiết lập toàn quyền kiểm soát trên các vùng lãnh thổ của người Kurd.
Mặt khác, người Kurd không ngại việc ở lại trong nhà nước Syria nhưng họ yêu cầu được bảo tồn quyền tự trị, văn hóa và bản sắc. Do đó mặc dù từ chối Moscow nhưng người Kurd tiếp tục đàm phán và đưa ra một bản yêu sách nhiều quyền lợi hơn.
Al-Quds nhận định, thực chất người Kurd có ý định yêu cầu chính quyền Nga đảm bảo tính độc lập tối đa cho họ, để đổi lấy việc "trục xuất" binh sĩ Mỹ cũng như Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi khu vực này.
Giờ đây ở phía Đông Bắc của Syria, tình thế khá khó khăn đã hình thành. Một mặt, Thổ Nhĩ Kỳ với các tay súng do họ kiểm soát đang cố gắng bành trướng, mặt khác là quân đội chính phủ với sự hỗ trợ của Nga cũng gia tăng ảnh hưởng.
Trong khi đó Mỹ không giữ vai trò quyết định, bởi vì bản thân họ cũng có vấn đề và từ lâu đã muốn rời khỏi đây do không nhận thấy bất kỳ triển vọng nào để giải quyết ổn thỏa những căng thẳng sắc tộc.
Theo giới quan sát, trong tình huống trên, người Kurd chỉ có thể hướng về Moscow và chịu sự chi phối của Nga, nhằm được đảm bảo duy trì quyền tự trị bên trong nhà nước Syria.
Anh tìm thấy xác tiêm kích tàng hình F-35
Tiêm kích F-35 trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Anh. Ảnh: AP
Phát biểu trước các nghị sĩ Anh ngày 1/12, ông Stephen Lovegrove - Cố vấn An ninh Quốc gia Anh, cho biết, các chuyên gia đã xác định chính xác địa điểm đáy biển nơi có xác, mảnh vỡ của tiêm kích F-35. Lực lượng chức năng đã định vị được vị trí nhưng vẫn chưa thể trục vớt xác máy bay lên.
Ông Lovegrove ngầm thừa nhận phía Nga có quan tâm và có hành động gần vùng biển máy bay gặp nạn. Tuy nhiên, Anh đã thực hiện các biện pháp bảo vệ, phong tỏa hiện trường, không để bí mật của dòng máy bay tàng hình hiện đại này rơi vào tay nước ngoài.
Cũng theo chia sẻ của Cố vấn An ninh Quốc gia Anh, việc phục hồi, trục vớt hộp đen cũng như mảnh vỡ của máy bay đóng vai trò then chốt trong xác định nguyên nhân gây ra vụ tai nạn.
Trước đó, chiếc F-35B của Hải quân Anh cất cánh từ tàu sân bay HMS Queen Elizabeth ở phía Đông Địa Trung Hải, ngày 17/11, nhưng gặp sự cố, buộc phi công phải phóng ghế thoát hiểm. Phi công sau đó được cứu hộ an toàn và đưa về chiến hạm.
Hình ảnh do hệ thống camera giám sát trên tàu sân bay cho thấy thay vì tăng tốc vọt lên, máy bay đã đâm chũi mũi xuống biển khi vừa tiến đến gờ dốc cất cánh trên boong tàu.
Theo các chuyên gia, vỏ máy bay F-35 vẫn là một “phần thưởng lớn” nếu rơi vào tay nước khác vì nó cho phép họ có thể sao chép công nghệ tàng hình hoặc đem lại thông tin để có thể bắn hạ chiếc máy bay này.
Hoa Vũ (T/h)