Mỹ tiết lộ tình tiết mới về cuộc đột kích thủ lĩnh IS
Vụ nổ đoạt mạng thủ lĩnh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong đợt truy quét tuần rồi ở Tây Bắc Syria nhiều khả năng đến từ một quả bom do chính người này lắp đặt và kích nổ, giới chức quân sự cấp cao của Mỹ cho biết ngày 10/2.
Căn nhà nơi thủ lĩnh al-Qurashi ẩn náu sau vụ đột kích của Mỹ hôm 3/2. Ảnh: AFP
Vụ nổ mạnh đến mức giới chức quân đội Mỹ hiện nghi ngờ rằng 1 đứa trẻ thiệt mạng ở tầng 2 của tòa nhà đã bị giết bởi lực chấn động của vụ nổ, chứ không phải trong một cuộc đọ súng giữa cha mẹ đứa trẻ và lính biệt kích.
Đứa trẻ không có vết thương do súng bắn hoặc các mảnh vỡ rơi xuống, các quan chức cho biết thêm.
Lầu Năm Góc thừa nhận 7 người đã thiệt mạng, gồm 4 dân thường và 3 phần tử IS, trong cuộc đột kích nhằm bắt hoặc tiêu diệt thủ lĩnh Abu Ibrahim al-Hashimi al-Quraishi.
Tuy nhiên, các quan chức giấu tên của quân đội Mỹ ngày 10/2 thừa nhận nhiều thi thể hơn có thể đã được tìm thấy từ đống đổ nát sau khi biệt kích rời khỏi hiện trường. Theo lực lượng cứu hộ, ít nhất 13 người thiệt mạng trong đợt tấn công nêu trên, bao gồm phụ nữ và trẻ em.
Các chi tiết mới về đợt truy quét trước bình minh được tiết lộ 1 tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đã yêu cầu biệt kích bắt giữ thủ lĩnh al-Quraishi, thay vì đánh bom toàn bộ tòa nhà 3 tầng, để giảm thiểu rủi ro cho dân thường.
Giới chức Lầu Năm Góc khẳng định 10 người, trong đó có 8 trẻ em, đã được sơ tán an toàn. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố sẽ xem xét lại liệu đợt tấn công nêu trên có gây hại cho dân thường hay không.
Các quan chức quân sự Mỹ hôm 10-2 khẳng định không có bằng chứng cho thấy thủ lĩnh al-Quraishi kích nổ quả bom nhưng họ tin là vậy, xét về thế khó của y khi đó. Các quan chức nhấn mạnh biệt kích Mỹ không tấn công tầng 3 hay kích nổ bất kỳ chất nổ nào, do đó không gây ra thương vong.
Sau vụ nổ, biệt kích xông vào tòa nhà và đọ súng với vợ chồng cấp dưới của thủ lĩnh al-Quraishi, những kẻ ở tầng 2 của tòa nhà cùng với con của chúng. Cả 2 thiệt mạng cùng với 1 đứa trẻ nhưng 4 trong 5 đứa còn lại được sơ tán an toàn, các quan chức Mỹ cho biết.
Syria bắn hạ tên lửa Israel bằng hệ thống phòng không Nga
Một vụ tấn công tên lửa của Israel nhắm vào Syria. Ảnh: Reuters
Kênh RT ngày 9/2 dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga (MOD) cho biết Syria đã bắn hạ 8 tên lửa Israel bằng hệ thống phòng không của Nga.
Tuyên bố được đưa ra vài giờ sau khi một loạt vụ tấn công vào các vị trí của Syria được Tel Aviv xác nhận.
Bốn máy bay phản lực F-16 của Israel đã nhắm mục tiêu vào khu vực Damascus vào khoảng 1 giờ sáng theo giờ địa phương ngày 10/2. Video về hỏa lực phòng không phóng lên đánh chặn tên lửa trên bầu trời đêm nhanh chóng gây xôn xao trên mạng xã hội. Theo quân đội Syria, các tên lửa tấn công từ không phận Liban, phía Đông Nam Beirut.
"8 trong số các tên lửa mà họ (Israel) phóng đi đã bị phá hủy bởi các hệ thống phòng không do Nga sản xuất đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang Syria", MOD cho biết.
Mặc dù Tel Aviv thường không thừa nhận các cuộc không kích thường xuyên vào Syria, nhưng lần này, Lực lượng Phòng vệ Israel thông báo trên Twitter rằng họ đã nhắm mục tiêu vào các khẩu đội phòng không của Syria. Họ cho biết một tên lửa phóng từ Syria đã phát nổ trên bầu trời Umm al-Fahm, một thành phố ở phía Bắc Israel.
Các quan chức Syria cho biết, cuộc tấn công thứ hai xuất phát “từ hướng Cao nguyên Golan bị chiếm đóng” và nhắm vào khu vực xung quanh Damascus. Theo truyền thông Syria, cuộc tấn công đã khiến một binh sĩ thiệt mạng và 5 người bị thương, trong đó có 3 thành viên của lực lượng phòng không nước này.
Theo MOD, cuộc tấn công được thực hiện với 10 tên lửa đất đối đất được phóng từ Cao nguyên Golan, đồng thời xác nhận 1 binh sĩ Syria thiệt mạng và 5 người khác bị thương.
Máy bay chiến đấu của Israel đã tấn công Syria trong nhiều năm. Khi Tel Aviv thừa nhận các cuộc tấn công, họ tuyên bố họ đang nhắm mục tiêu vào sự hiện diện quân sự của "Iran" ở quốc gia láng giềng, mà Israel cho rằng đang gây nguy hiểm đối với nước này. Chính quyền Damascus đã nhiều lần lên án các cuộc không kích là vi phạm chủ quyền của Syria và yêu cầu họ dừng lại.
Ngoài các phản đối ngoại giao, Nga còn cung cấp cho quân đội Syria các hệ thống phòng không như Buk, Pantsir S-1, và thậm chí cả S-300. Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Nga ghi nhận tính hiệu quả của các hệ thống này trong việc chống lại các cuộc tấn công từ trên không.
Hoa Vũ (T/h)