Ukraine nói Nga chưa kiểm soát hoàn toàn vùng Luhansk
Người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự khu vực Luhansk, ông Serhiy Hayday ngày 6/7 (giờ địa phương) cho biết khu vực phía Đông tỉnh Luhansk vẫn chưa bị Nga kiểm soát hoàn toàn và giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra tại một khu định cư ở ngoại ô khu vực.
Thành phố Severodonetsk ở tỉnh Luhansk đã nằm trong tầm kiểm soát của Nga từ cuối tháng 6. Ảnh: CNN
Theo ông Hayday, các lực lượng Nga đã phải gánh chịu "tổn thất to lớn" về cả số lượng trang thiết bị và nhân lực. Được biết, Nga đã cố gắng giành quyền kiểm soát khu vực Luhansk trong hơn 4 tháng thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Ông Hayday nói thêm rằng các bệnh viện trong khu vực do Nga giành quyền kiểm soát đều đang được sử dụng để chiều trị cho rất nhiều những binh sĩ Nga đang bị thương nặng.
Ông Hayday cũng cho biết ông tin rằng các lực lượng Nga đang thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào các thành phố Sloviansk và Bakhmut trong khu vực Donetsk.
Vẫn còn khoảng 8.000 người Ukraine ở lại Severodonetsk khi điều kiện xấu đi
Ông Oleksandr Striuk, người đứng đầu chính quyền quân sự của Severodonetsk, ngày 6/7 cho biết vẫn còn khoảng 7.000-8.000 người đang ở lại phía Đông thành phố Severodonetsk khi các điều kiện dần xấu đi. Ông Stiuk cảnh báo trong tương lai gần họ sẽ phải sống trong "điều kiện tồi tệ" như không có nước, khí đốt hoặc nguồn cung cấp điện.
Theo ông Striuk, các lực lượng Nga đã phá hủy cơ sở vật chất gồm nhà ở và các dịch vụ tiện ích ở thành phố trọng điểm ở vùng Donbas này và họ đang tìm kiếm nhân viên để giúp khôi phục các điều kiện này nhưng hầu như không có nhân viên nào ở lại Severodonetsk. Ông nói thêm rằng những công nhân và nhân viên dịch vụ đã được sơ tán khỏi thành phố từ trước.
Ông Striuk thông tin, các lực lượng Nga hiện đang làm việc nhằm tạo điều kiện cho trẻ em đi học trở lại bắt đầu từ ngày 1/9 tới.
Ukraine bác tin Nga phá hủy 2 hệ thống tên lửa do Mỹ cung cấp
Ukraine đã cáo buộc Nga phát tán thông tin sai sự thật sau khi Moscow tuyên bố đã phá hủy hai Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp.
Cụ thể, trong một tuyên bố ngày 6/7, Lực lượng Đặc nhiệm Liên hợp của Ukraine cho biết: "Nga đang tích cực lan truyền thông tin sai lệch về việc hệ thống pháo HIMARS của Mỹ bị phá huỷ. Chúng tôi nhấn mạnh rằng thông điệp này không đúng với thực tế và chỉ là tin tức giả mạo".
Hệ thống tên lửa HIMARS. Ảnh: Getty
Trước đó, 6/7, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố họ đã phá hủy Hệ thống tên lửa phóng nhiều lần HIMARS trong một cuộc không kích ở khu vực Donetsk.
Bộ Quốc phòng Nga trước đó từng thông tin: "Các tên lửa phóng từ trên không có độ chính xác cao đã phá hủy hai bệ phóng tên lửa HIMARS do Mỹ sản xuất và hai kho đạn".
Bộ đã công bố đoạn phim về cuộc tấn công trên nhưng CNN cho biết họ không thể xác định cả 2 tuyên bố đến từ 2 phía.
Trước đây, Mỹ đã cam kết viện trợ 8 HIMARS tới Ukraine và ít nhất 4 HIMARS đã được gửi đi.
Việc sử dụng không chỉ HIMARS, mà còn cả các loại vũ khí khác do phương Tây cung cấp có liên quan đến việc ngày càng có nhiều cuộc tấn công vào sâu trong phòng tuyến của Nga, vì hầu hết đều có tầm bắn xa hơn và độ chính xác cao hơn một số thiết bị thời Liên Xô mà Ukraine đang trang bị.
Lực lượng Đặc nhiệm Liên quân Ukraine cho biết thêm trong một tuyên bố: "Các hệ thống pháo HIMARS do các đối tác Mỹ cung cấp liên tục giáng đòn bắn phá vào các điểm chiến lược quan trọng của đối phương, gây ra thiệt hại lớn về trang thiết bị, nhân lực và nguồn hỗ trợ của họ".
Minh Hạnh (Theo CNN)