Giao tranh dữ dội gần Bakhmut
Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Ukraine cho biết ngày 29/1 rằng quân đội nước này đã đẩy lùi các cuộc tấn công tại ngôi làng nhỏ Blahodatne và một số khu vực khác. Thông báo trên được đưa ra chỉ 1 ngày sau công ty quân sự tư nhân Wagner, bên tham gia vào nhiều cuộc giao tranh ở Bakhmut, khẳng định đã kiểm soát được Blahodatne – ngôi làng nằm gần một tuyến hậu cần quan trọng của quân đội Ukraine.
Binh sĩ Ukraine trên đường ra tiền tuyến ngày 28/1. Ảnh: New York Times
“Blahodatne đang nằm dưới sự kiểm soát của chúng tôi", ông Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu Wagner cho hay ngày 28/1 trong một thông báo được đăng tải trên trang web của công ty. Bộ Quốc phòng Nga hiện chưa xác nhận thông tin trên. Ông Prigozhin khẳng định các lực lượng của công ty quân sự Wagner là lực lượng giao tranh hiệu quả nhất trong khu vực.
Blahodatne nằm giữa Soledar - một thị trấn gần đây Nga đã giành quyền kiểm soát sau nhiều tuần giao tranh căng thẳng, và một con đường chạy từ thành phố Bakhmut. Con đường này đóng vai trò như một tuyến cung cấp hậu cần quan trọng cho lực lượng vũ trang Ukraine.
Người đứng đầu nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) Denis Pushilin khẳng định ngày 30/1 rằng việc chia cắt tuyến hậu cần của Ukraine dọc tuyến đường từ Chasov Yar tới Bakhmut là một ưu tiên của quân đội Nga.
"Đối với chúng tôi, việc chia cắt tuyến đường từ Chasov Yar tới Bakhmut - một trong số ít tuyến cung cấp hậu cần của quân đội Ukraine đóng vai trò quan trọng", lãnh đạo DPR cho hay.
Kể từ mùa hè năm 2022, Bakhmut đã trở thành tâm điểm giao tranh ở phía Đông Ukraine và là mục tiêu của Nga. Moscow có kế hoạch bao vây Bakhmut, cắt đứt tuyến hậu cần của Ukraine và buộc các lực lượng của Kiev phải rút lui.
Mỹ từ chối yêu cầu quan trọng của Ukraine
Tổng thống Joe Biden hôm 30/1 khẳng định Mỹ sẽ không cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine.
Kiev trước đó đã bày tỏ hy vọng có được các máy bay chiến đấu như F-16, sau khi Mỹ đề cập đến việc chấp thuận chuyển giao xe tăng chiến đấu M1 Abrams. Yuriy Sak, cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, phát biểu đầy tự tin với CNBC tuần trước: "Chúng tôi sẽ mua F-16".
Cũng trong tuần trước, các quan chức Mỹ cũng tỏ ra cởi mở với khả năng này. Cụ thể, Phó cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jon Finer nói với MSNBC rằng Mỹ sẽ thảo luận về ý tưởng cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine một cách "rất cẩn trọng" với Kiev và các đồng minh.
John Kirby, điều phối viên truyền thông chiến lược tại Hội đồng An ninh Quốc gia, nói với báo giới rằng "không có gì bất ngờ" khi Ukraine yêu cầu máy bay chiến đấu và Mỹ đang "thảo luận tích cực" với phía Ukraine về vấn đề này.
Tuần trước, Tổng thống Biden đã tuyên bố Mỹ sẽ gửi 31 xe tăng chiến đấu tối tân M1 Abrams tới Ukraine. Động thái này diễn ra sau khi Đức cho biết họ sẽ cung cấp 14 xe tăng Leopard 2 của nước này cho Ukraine.
Kiev đã vận động hành lang mạnh mẽ để Mỹ, Đức và các nước khác cung cấp xe tăng, mà Ukraine cho rằng sẽ rất quan trọng đối với một cuộc phản công mùa Xuân sắp tới. Ước tính sẽ mất vài tháng để xe tăng do Mỹ sản xuất đến được Kiev.
Ông Biden cho biết quyết định "dựa trên nỗ lực và cam kết của các quốc gia trên thế giới, dẫn đầu là Mỹ, để giúp Ukraine bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình".
Trong khi phía Nga đã nhiều lần cảnh báo việc các nước phương Tây bơm vũ khí vào Ukraine là đang trực tiếp hoặc gián tiếp tham chiến, sẽ phải chịu trách nhiệm về việc xung đột kéo dài.
Minh Hạnh (T/h)