Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức Ukraine mới nhất ngày 25/6: Nga chỉ trích việc EU trao tư cách ứng viên cho Ukraine

(DS&PL) -

Tin tức về tình hình Ukraine mới nhất ngày 25/6/2022. Cập nhật tin tức tình hình Ukraine mới nhất ngày 25/6/2022 trên trang Đời sống & Pháp luật Online.

Nga chỉ trích EU trao tư cách ứng viên cho Ukraine

Nga cảnh báo quyết định trao tư cách ứng viên cho Ukraine của EU sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực và "nô dịch" các nước láng giềng, theo Reuters. 

"Với quyết định trao cho Ukraine và Moldova tư cách là các nước ứng cử viên, Liên minh châu Âu (EU) khẳng định rằng họ tiếp tục lợi dụng các nước SNG trên phương diện địa chính trị để kiềm chế Nga. Họ không tính tới hậu quả tiêu cực của động thái như vậy", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết hôm 24/6. SNG là Cộng đồng các Quốc gia Độc lập gồm các nước từng thuộc Liên Xô.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc bằng các mở rộng sang Ukraine và Moldova, EU đã "hy sinh những lý tưởng dân chủ của mình" cho "sự bành trướng không giới hạn và nô dịch về kinh tế, chính trị với các nước láng giềng".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tại St.Petersburg hôm 15/6. Ảnh: AFP.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trước đó cũng bình luận về việc EU trao tư cách ứng viên cho Ukraine, gọi đây là "vấn đề nội bộ của châu Âu". "Điều quan trọng là tất cả những quá trình này không gây thêm vấn đề cho chúng tôi và cho quan hệ của chúng tôi với các quốc gia này", ông Peskov nói.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cũng nhận định việc Ukraine và Moldova muốn gia nhập EU không gây ra rủi ro nào cho Moskva vì khối này không phải liên minh quân sự. Tuy nhiên, ông Lavrov cáo buộc "EU và NATO đang muốn gây chiến" với Nga.

EU hôm 23/6 quyết định cấp tư cách ứng viên cho Ukraine và nước láng giềng Moldova trong hội nghị thượng đỉnh tại Brussels, Bỉ. Tổng thống Ukraine Zelensky ca ngợi đây là "thời khắc lịch sử có một không hai trong quan hệ Ukraine - EU, khởi đầu cho trang sử mới của châu Âu".

Sau khi được phê duyệt tư cách ứng viên, Ukraine sẽ phải nỗ lực để đáp ứng Tiêu chí Copenhagen được EU đề ra đối với các nước xin gia nhập, về nền kinh tế thị trường tự do cũng như các giá trị về dân chủ, nhân quyền.

Trực thăng cứu thương đặc biệt được Đức chuyển giao cho Ukraine

Quân đội Ukraine đã nhận được một trực thăng hạng nhẹ Bo-105 từ Đức. Điều đặc biệt của chiếc Bo-105 được Berlin gửi đến Kiev lần này là việc trực thăng này đã được tháo hết hệ thống vũ khí. Vì vậy, nhiều khả năng chiếc trực thăng này sẽ được sử dụng cho nhiệm vụ chuyên chở các binh sĩ bị thương và các hàng hóa khác.

Trực thăng Bo-105 được sản xuất từ những năm 1970 bởi nhà thầu Messerschmitt-Bölkow-Blohm của Đức. Trước khi dây chuyền sản xuất Bo-105 dừng lại vào năm 2001, khoảng 1.200 chiếc trực thăng hạng nhẹ này đã được chế tạo và chủ yếu phục vụ trong quân đội Đức.

Trực thăng Bo-105 được tháo hết hệ thống vũ khí khi gửi đến Ukraine. Ảnh: Olexandr Gromyko.

Được thiết kế với mục đích chính là trinh sát và tải thương, trực thăng Bo-105 vẫn có thể được lắp thêm các vũ khí sát thương khi cần thiết. Giới chuyên môn cho biết Bo-105 có thể mang 2 hệ thống treo vũ khí có thể gắn 8 tên lửa chống tăng TOW hoặc hỏa tiễn với tổng trọng tải lên tới 500kg. Với nhiệm vụ tải thương, máy bay trực thăng này có thể chuyên chở 4 cáng cứu thương cùng 2 thành viên phi hành đoàn.

Nghị sĩ Nga cảnh báo khả năng Đại sứ quán Mỹ ở Kiev thành mục tiêu quân sự

Một nghị sĩ cấp cao của Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga) ngày 23/6 (giờ địa phương) cho biết, Nga nên phóng tên lửa vào tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kiev của Ukraine để đáp trả việc Washington cung cấp tổ hợp pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) cho nước láng giềng. 

Ông Yury Shvytkin, người hiện là Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện Nga, đưa ra ý kiến trên trong một bình luận gửi tới báo điện tử Lenta.ru của Nga.

Đại sứ quán Mỹ tại Kiev, Ukraine. Ảnh: UKRAYINSKA PRAVDA.

“Hành động này (cung cấp HIMARS) một lần nữa nêu bật động thái từng bước tiến tới Thế chiến thứ 3 của Mỹ. Cần phải hiểu rằng chúng ta phải phản ứng gay gắt. Theo tôi, phản ứng ngày hôm nay cũng nên áp dụng với những các nước cung cấp vũ khí (cho Ukraine”, ông Shvytkin nói.

“Và đây không chỉ là việc phá hủy cơ sở hạ tầng hay bất cứ thứ gì, mà tôi nghĩ trung tâm ra quyết định chính là Đại sứ quán Mỹ. Tôi nghĩ rằng sớm hay muộn nó sẽ trở thành mục tiêu của lực lượng vũ trang Nga, cảnh sát quốc gia của DPR và LPR (tên viết tắt của các nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Luhansk - NV)”, ông Shvytkin cho biết.

Theo quan điểm của ông Shvytkin, Nga “nên phá hủy” khu chính phủ ở Kiev và các địa điểm liên quan. “Công việc này đang được Bộ Quốc phòng Nga thực hiện nhưng cần phải phát động nhiều cuộc tấn công lớn hơn”, nghị sĩ Nga nói.

Bích Thảo (T/h)  

Tin nổi bật