Nga tuyên bố kiểm soát làng gần Bakhmut
Theo CNN, trước tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga hôm 13/2, công ty quân sự tư nhân Nga Wagner cũng có phát biểu tương tự.
Tuy nhiên, Serhii Cherevatyi, phát ngôn viên cho Cụm phía đông thuộc các lực lượng vũ trang Ukraine phản bác rằng, tuyên bố của người Nga về việc Krasna Hora thất thủ "không đúng sự thật".
Chú thích ảnh
“Hiện vẫn có giao tranh ở đó. Chúng tôi vẫn duy trì kiểm soát”, ông Cherevatyi nhấn mạnh. Người phát ngôn lưu ý thêm, Bakhmut vẫn là tâm điểm tấn công chính của các lực lượng Moscow.
Theo ông Cherevatyi, dù quân Nga đang dồn sức tập kích các tuyến đường dẫn tới thành phố chiến lược Bakhmut, nhưng các lực lượng Kiev “vẫn có khả năng cung cấp vũ khí, thực phẩm, thiết bị, thuốc men và sơ tán những người bị thương khỏi đó”.
Cùng ngày, trong một thông điệp trên kênh Telegram, Bộ Quốc phòng Ukraine cho hay, “cuộc chiến giành Bakhmut vẫn tiếp tục”. Nhà chức trách Ukraine nói, dù đối phương liên tục thay đổi chiến thuật nhưng các binh sĩ của họ hiện vẫn chống đỡ được và không ngừng phản kích.
Xung đột ở Ukraine khiến kho vũ khí NATO cạn kiệt nghiêm trọng
Trước thời điểm Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2/2022, nhiều quốc gia NATO đã không đáp ứng được những mục tiêu dự trữ vũ khí mà NATO đề ra.
Reuters đưa tin, với tốc độ binh sĩ Ukraine bắn 10.000 quả đạn pháo/ngày như hiện nay, kho dự trữ của phương Tây nhanh chóng cạn dần, cũng như bộc lộ lỗ hổng về hiệu quả, tốc độ và nhân lực của chuỗi cung ứng, sản xuất vũ khí.
Một nhà ngoại giao châu Âu nói với Reuters rằng, “Nếu châu Âu xung đột với Nga, một số nước sẽ hết đạn chỉ trong vài ngày”.
Theo một quan chức NATO giấu tên, tổ chức này vừa hoàn thành một cuộc khảo sát đặc biệt về kho vũ khí còn lại của mỗi nước thành viên. Ông này cho hay, phần lớn các nước đều không đáp ứng được yêu cầu dự trữ đạn dược mà NATO đề ra trước cả thời điểm xung đột ở Ukraine bùng nổ. Hiện tại, kho dự trữ ngày càng sụt giảm.
Số lượng đạn còn lại trong kho quân sự của phương Tây là thông tin tuyệt mật tương tự như mục tiêu dự trữ mà NATO đặt ra cho từng quốc gia thành viên. Nhưng nói chung, NATO đã giao nhiệm vụ cho mỗi đồng minh cung cấp năng lực nhất định để có thể sử dụng trong trường hợp xảy ra xung đột.
Điển hình, một quốc gia thành viên NATO cần có sư đoàn thiết giáp khoảng 10.000 - 30.000 quân được trang bị đầy đủ đạn, và sẵn sàng chiến đấu ở một cường độ nhất định trong khoảng thời gian nhất định, cũng như cung cấp số lượng cụ thể đạn, xe tăng, lựu pháo theo yêu cầu của NATO.
Theo một nguồn tin quốc phòng, riêng Đức đã thiếu 20 tỷ euro (21 tỷ USD) để đạt được mục tiêu mà NATO đề tra trước thời điểm chiến sự ở Ukraine bùng nổ. Hiện Bộ Quốc phòng Đức chưa xác nhận thông tin này.
Cũng theo quan chức NATO giấu tên, thiếu hụt lớn nhất là đạn cỡ 155 mm sử dụng trong lựu pháo, tên lửa HIMARS, cùng các loại đạn cho hệ thống phòng không như IRIS-T, Patriot và Gepard. Đây chính là những vũ khí mà quân đội Ukraine đang sử dụng nhiều.
Quyết định mới về nâng mục tiêu dự trữ vũ khí có thể được giới lãnh đạo NATO công bố trong hội nghị thượng đỉnh ở Litva vào giữa tháng 7 tới.
Minh Hạnh (T/h)