Thủ đô Ukraine hứng không kích sau 52 ngày
Theo hãng tin Reuters, các quan chức Ukraine cho biết, ngày 11/11, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công tên lửa vào thủ đô Kiev và khu vực xung quanh lần đầu tiên sau hơn bảy tuần, đồng thời tấn công miền Đông và miền Nam đất nước bằng máy bay không người lái (UAV).
Ông Serhiy Popko - người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự thành phố Kiev, cáo buộc rằng một tên lửa đạn đạo của Nga đã được phóng về phía thủ đô vào khoảng 8h cùng ngày (giờ địa phương).
“Sau 52 ngày tạm dừng, đối phương đã nối lại các cuộc tấn công tên lửa vào Kiev. Tuy nhiên, vụ tấn công thất bại vì lực lượng phòng không đã bắn hạ tên lửa khi nó đang đến gần thủ đô", ông Popko cho biết trong một thông báo trên mạng xã hội, lưu ý thêm rằng "không có thương vong hay thiệt hại lớn".
Khói bốc lên ở thủ đô Kiev sau một cuộc không kích của Nga hồi tháng 6/2022. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, ông Ruslan Kravchenko - Thống đốc khu vực miền trung Kiev, cho biết 5 ngôi nhà tư nhân và một số tòa nhà thương mại trong khu vực đã bị hư hại. Ông cáo buộc 2 tên lửa của Nga đã tấn công một cánh đồng giữa các khu định cư.
Cuộc tập kích diễn ra trong bối cảnh Ukraine và phương Tây cho rằng Nga đã chuẩn bị một kho vũ khí rất lớn để sẵn sàng cho những cuộc tấn công vào mùa đông, nhằm phá hủy hạ tầng năng lượng của nước này.
Ông Vadym Skibitskyi - đại diện Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine (HUR) cho biết, chỉ trong tháng 10, Nga đã sản xuất tới 115 tên lửa chính xác cao để tăng cường cho kho dự trữ mùa đông.
Tại phía Đông Ukraine, nơi là tâm điểm của cuộc tiến công chậm chạp kéo dài 20 tháng của Nga, các quan chức Ukraine cho biết lực lượng nước này đã đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của quân đội Nga. Họ dự đoán sẽ có thêm các cuộc tấn công khác, đặc biệt là xung quanh thị trấn Avdiivka.
Lực lượng phòng không Ukraine cũng tuyên bố đã bắn hạ 19 máy bay không người lái Shahed do Iran sản xuất trong số 31 chiếc do lực lượng Nga phóng trong đêm ở khu vực phía nam và phía đông.
Quan chức tình báo Ukraine Andriy Yusov nói với đài truyền hình quốc gia: "Đây không phải là cuộc tấn công kết hợp đầu tiên hay cuối cùng. Số lượng cảnh báo các cuộc không kích ngày càng tăng trong những ngày gần đây".
Ukraine nguy cơ mất 21,4 tỷ USD viện trợ quân sự từ EU
Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết, kế hoạch chi tới 20 tỷ euro (21,4 tỷ USD) viện trợ quân sự cho Ukraine của Liên minh châu Âu (EU) dường như đang gặp phải sự phản đối từ một số quốc gia thành viên và có thể không được thực hiện như đã thông báo trước đó.
Vào tháng 7, ông Josep Borrell - Cao ủy EU về Chính sách đối ngoại và an ninh, đã đề xuất thành lập một quỹ trị giá 20 tỷ euro để hỗ trợ quân đội Ukraine trong 4 năm tới. Quỹ này dự kiến sẽ giúp Ukraine trang trải chi phí mua các mặt hàng như đạn dược, tên lửa và xe tăng, đồng thời giúp chi trả cho việc huấn luyện binh lính Kiev.
Mặc dù EU đã có những gói hỗ trợ tương tự cho Ukraine thông qua Cơ sở Hòa bình Châu Âu, nhưng nó được cung cấp theo từng đợt có thể bị các quốc gia thành viên riêng lẻ chặn lại. Ngoài ra, các gói này cũng đang nhanh chóng cạn tiền.
Ukraine nguy cơ mất 21,4 tỷ USD viện trợ quân sự từ EU. Ảnh: Getty Images
Các bộ trưởng quốc phòng EU đang chuẩn bị thảo luận về kế hoạch này tại Brussels, Bỉ vào tuần tới. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho biết nhiều quốc gia, bao gồm cả Đức - nước có ảnh hưởng lớn trong EU - đã bày tỏ sự dè dặt về việc cam kết số tiền lớn như vậy trước vài năm.
"Tôi sẽ không tuyên bố kế hoạch viện trợ khó thực thi vào thời điểm này. Nhưng tất nhiên vẫn có thể có những thay đổi. Đức đã có rất nhiều câu hỏi và đúng như vậy, chúng ta đang nói về rất nhiều tiền", một nhà ngoại giao cấp cao ẩn danh của EU cho biết hôm 10/11.
Chính phủ các nước EU đã nhấn mạnh rằng việc hỗ trợ quân sự dài hạn của EU phải phù hợp với các gói an ninh mà từng quốc gia thành viên đang đàm phán với Kiev. Điều này gây khó khăn cho việc thống nhất về số lượng viện trợ trong khi các cuộc đàm phán đang diễn ra.
Tại hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết các nước trong Liên minh nên tập trung vào các gói song phương với Ukraine tại thời điểm này. Trong khi đó, một số thành viên EU cũng cho rằng họ sẽ khó thực hiện các cam kết dài hạn với khoản tiền lớn như vậy do ngân sách trong nước hạn chế.
Một nhà ngoại giao EU cho biết mức độ khả thi của kế hoạch viện trợ 21,4 tỷ USD nói trên đang giảm dần, nhưng một số quốc gia vẫn muốn có các cam kết với Ukraine ở cấp độ EU. Các nguồn tin đều cho rằng EU có thể chọn phương án cam kết viện trợ hàng năm thay vì đồng ý với kế hoạch với số tiền lớn kéo dài trong 4 năm.
Phương Uyên ( T/h)