Ứng phó tai biến khi tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ nhỏ
Ngày 4/4, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn. Thành phố yêu cầu các đơn vị có liên quan phải sẵn sàng phương án ứng phó với những rủi ro tai biến có thể xảy ra trong và sau quá trình tiêm chủng để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Theo Tiền phong, tất cả trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sinh sống, học tập trên địa bàn thành phố sẽ bước vào chiến dịch tiêm chủng ngay sau khi được Bộ Y tế cung ứng vắc xin. Dự kiến, số lượng trẻ cần tiêm là 898.537 trẻ, trong đó có 885.730 trẻ đi học và 12.807 trẻ đang nuôi dưỡng ở cơ sở bảo trợ xã hội và trẻ chưa đi học.
Những trẻ đi học sẽ tiêm tại trường học hoặc tại điểm tiêm được cơ sở giáo dục và y tế địa phương phối hợp quyết định, đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng, chống dịch bệnh. Những trẻ không đi học sẽ tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động trên địa bàn do các địa phương quyết định.
Nhóm trẻ đang điều trị nội trú tại các bệnh viện sẽ được tiêm ngay tại bệnh viện (kể cả trẻ có địa chỉ cư trú tại tỉnh, thành khác). Dự kiến, chiến dịch tiêm cho trẻ sẽ bắt đầu vào giữa tháng 4/2022 và phấn đấu hoàn thành trước tháng 9/2022. Thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn tất việc lập danh sách, tổ chức nhập liệu trước khi bắt đầu tiêm cho trẻ. Phụ huynh và người giám hộ của trẻ sẽ được cung cấp thông tin về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vắc xin và giải thích những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng.
TP.HCM đang sẵn sàng phương án tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ, UBND TP.HCM yêu cầu Trung tâm Cấp cứu 115 là đầu mối chịu trách nhiệm phối hợp với các bệnh viện trên địa bàn đảm bảo công tác cấp cứu tại các điểm tiêm. Theo đó, xe cấp cứu với đầy đủ phương tiện, trang thiết bị cấp cứu, thuốc cấp cứu phải túc trực thường xuyên, đảm bảo việc cấp cứu tại chỗ và vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất. Trường hợp có sự cố bất lợi sau tiêm xe cấp cứu phải tiếp cận trong vòng 3 đến 5 phút sau khi nhận được thông báo.
Ngoài ra, tại tất cả các điểm tiêm chủng chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu phù hợp. Xây dựng phương án, quy trình phối hợp giữa điểm tiêm và cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để đảm bảo xử trí cấp cứu cho các trường hợp sự cố sau tiêm trong buổi tiêm chủng cần nhập viện.
Bên cạnh đó, thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan, giám sát xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng cho trẻ để chủ động phát hiện và xử trí kịp thời cho trẻ, đặc biệt là trường hợp tai biến nặng.
Thủ tướng yêu cầu trong quý 2 hoàn thành tiêm vắc xin cho trẻ em
Bộ Y tế trình và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc mua vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Bộ Y tế cũng đã đề xuất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với gói thầu mua vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến tại nhiều văn bản để chỉ đạo, đôn đốc Bộ Y tế thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện các công việc cần thiết theo quy định để có vắc xin nhanh nhất có thể. Trên cơ sở đó, hoàn thành việc tiêm cho trẻ em trong quý 2, để đầu quý 3 trẻ em được đến trường học hè và cuối quý 3 năm 2022 trẻ em đến trường vào năm học mới tập trung an toàn và hiệu quả.
(Ảnh: VietnamNet)
Để chuẩn bị cho công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, hiện nay các địa phương đang rà soát, chuẩn bị nhân lực, vật tư… sẵn sàng cho công tác tiêm chủng được bảo đảm an toàn, hiệu quả nhất.
Được biết, hiện còn khoảng trên 10 triệu trẻ em độ tuổi từ 5 đến 12 tuổi chưa tiêm vắc xin Covid-19.
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều tối 4/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Đại sứ quán Úc và Pfizer tại Việt Nam đều thống nhất phương án đưa vắc xin về Việt Nam trong thời gian sớm nhất, nhanh nhất để triển khai tiêm cho trẻ em.
Việc tiêm vắc xin cho trẻ em chắc chắn là có những khó khăn, vì vậy, ông Tuyên mong muốn có được sự đồng tình để phụ huynh đưa trẻ em đi tiêm với tỷ lệ cao nhất.
Ngân sách đã bổ sung 913 tỷ đồng cho địa phương phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ người dân
Bộ Tài chính cho biết, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước tháng 3/2022 ước đạt 132,1 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi quý I/2022 đạt 351,3 nghìn tỷ đồng, bằng 19,7% dự toán, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tổng số chi trên, chi đầu tư phát triển ước đạt 61,5 nghìn tỷ đồng, bằng 11,7% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi ước đạt 29,8 nghìn tỷ đồng, bằng 28,8% dự toán, giảm 6,2%; chi thường xuyên ước đạt 259,8 nghìn tỷ đồng, bằng 23,4% dự toán, tăng 4% so cùng kỳ năm 2021.
Các nhiệm vụ chi ngân sách trong quý I/2022 được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng bổ sung cho các địa phương 913 tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định. Bên cạnh đó, đã thực hiện xuất cấp 27,19 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả mưa lũ, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.
Việt Hương (T/h)