Phát 200 nghìn vé 0 đồng đi đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông từ 9h sáng 6/11
Ngày 5/11, liên ngành Thanh tra giao thông - CSGT Hà Nội đã thống nhất triển khai phương án tổ chức giao thông phục vụ vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông từ sáng 6/11.
Trao đổi với Tiền Phong về kế hoạch tiếp nhận các đoàn tàu vào sáng mai, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV đường sắt đô thị Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, 8h sáng 6/11, bộ GTVT và TP.Hà Nội sẽ làm lễ bàn giao, tiếp nhận. Công việc này diễn ra trong vòng 1 giờ. Từ 9h, Hanoi Metro tổ chức vận hành các đoàn tàu để chở người dân lên trải nghiệm toàn tuyến.
Tàu Cát Linh - Hà Đông vận hành thương mại chở khách từ sáng 6/11. (Ảnh: Tiền phong)
Để có thể lên tàu trải nghiệm, ông Trường cho biết, hành khách lên tầng 2 của 12 ga trên dọc tuyến, lấy thẻ từ ở quầy vé để vận hành hệ thống kiểm soát, như mở cửa kiểm soát ra vào, cửa lên tàu, khai báo thông tin điện tử.
Đến chiều 5/11, Hanoi Metro đã chuẩn bị hơn 200 nghìn vé 0 đồng (thẻ từ cứng) để phát cho hành khách trải nghiệm tàu trong 15 ngày đầu vận hành. Sau khi kết thúc hành trình, hành khách trả lại vé này cho đơn vị vận hành ở cửa ra.
Đề cập đến tần suất chạy tàu, ông Trường cho hay, giờ cao điểm các đoàn tàu sẽ vận hành đủ lượt theo biểu đồ để đáp ứng nhu cầu của hành khách; ngoài giờ cao điểm đơn vị vận hành sẽ điều tiết lưu lượng theo nhu cầu đi lại của người dân.
Bác bỏ tin phong tỏa toàn TP.Bạc Liêu
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Chiều 5/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã ký thông báo khẳng định "không có việc phong tỏa toàn địa bàn thành phố Bạc Liêu" gửi các cơ quan thông tấn báo chí và các cơ quan chức năng trong tỉnh.
Tuổi trẻ dẫn thông báo nêu rõ, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong những ngày qua diễn biến phức tạp, tuy nhiên Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các cấp vẫn đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên toàn tỉnh.
Căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh hiện nay, đối chiếu với quy định tại nghị quyết 128 của Chính phủ về việc ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 thì không có việc phong tỏa toàn địa bàn thành phố Bạc Liêu.
Do đó đề nghị các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành pố thông tin đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh được biết.
Hỗ trợ kinh phí đưa lao động 4 tỉnh phía nam quay lại làm việc
Để tiếp tục hỗ trợ người lao động, cộng đồng doanh nghiệp (DN) thu hút và đón người lao động quay lại làm việc, góp phần sớm khôi phục sản xuất kinh doanh tại DN, phục hồi nền kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”, “thích ứng an toàn, linh hoạt”, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các địa phương trên triển khai hỗ trợ đoàn viên và người lao động quay trở lại làm việc.
Báo Chính phủ thông tin, đối tượng nhận hỗ trợ là đoàn viên và người lao động đã về quê, có nhu cầu quay lại DN làm việc (bao gồm cả người lao động đang tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc đang nghỉ việc không hưởng lương do dịch bệnh theo thỏa thuận với DN về quê và quay lại làm việc sau khi DN phục hồi sản xuất).
Điều kiện nhận hỗ trợ là đoàn viên và người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động, có nhu cầu quay lại DN làm việc; bảo đảm quy định phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
DN có đóng kinh phí công đoàn; có từ 5.000 lao động trở lên; sẵn sàng đón, hỗ trợ tiền lương, nơi ở, các nhu cầu thiết yếu khác cho đoàn viên và người lao động.
Hình thức hỗ trợ bằng tiền để công đoàn cơ sở phối hợp với DN tổ chức phương tiện (ô tô, tàu hỏa, máy bay) đón đoàn viên, người lao động quay lại làm việc. Mức hỗ trợ 50% tổng số kinh phí (chỉ cho phương tiện vận chuyển) tổ chức đón đoàn viên, người lao động quay lại làm việc. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ Tổng LĐLĐ Việt Nam. Thời gian thực hiện hỗ trợ: Từ ngày 1/11/2021 đến hết 31/12/2021.
Việt Hương (T/h)