Hà Nam phát hiện chùm dương tính liên quan đến bệnh viện Phụ sản Nam Định
Báo Sức khỏe & Đời sống thông tin, tối 23/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam công bố thêm 22 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Hà Nam phát hiện chùm dương tính liên quan đến F0 ở bệnh viện Phụ sản Nam Định.
Ngoài các trường hợp liên quan đến ổ dịch cũ, Hà Nam ghi nhận chùm ca bệnh mới gồm 9 trường hợp ở xã Nhân Bình và Nhân Nghĩa của huyện Lý Nhân, liên quan đến ca F0 ở bệnh viện Phụ sản Nam Định.
Báo cáo điều tra dịch tễ cho biết, ngày 14/11, chị N.T.L đến bệnh viện Phụ sản Nam Định sinh con. Đến 20/11 về nhà tại xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Tối 20/11, gia đình chị gái là N.Đ.P (gồm vợ chồng và 3 con) đến thăm chị N.T.L, sau đó cùng ăn tối.
Trưa 22/11, chị N.T.L nhận được tin trong thời gian ở bệnh viện có một người cùng phòng mắc COVID-19. Ngay sau đó, chị N.T.L đã khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm cùng với các trường hợp có tiếp xúc với chị. 9 mẫu xét nghiệm ngày 23/11 cho kết quả dương tính với SARS-COV-2.
Qua công tác truy vết, khoanh vùng xác định được 147 trường hợp F1, trong đó có 43 học sinh lớp 6B, THCS Nhân Nghĩa; 42 học sinh lớp 6B trường THCS Nhân Bình, 31 học sinh lớp 4A, trường Tiểu học Nhân Nghĩa…
Cần Thơ yêu cầu người chưa tiêm vaccine hạn chế ra khỏi nhà
Pháp luật TP.HCM đưa tin, ngày 23/11, UBND TP.Cần Thơ có công văn về việc thực hiện các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 gửi giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban, ngành TP, chủ tịch UBND quận, huyện và phường, xã, thị trấn.
Cần Thơ yêu cầu người dân đến giao dịch tại các cơ quan, đơn vị phải quét mã QR hoặc khai báo y tế.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân TP không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và thực hiện các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, hạn chế tối đa tổ chức hoạt động tập trung đông người trong nhà, ngoài trời và tại nơi công cộng; giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp. Khuyến cáo người dân chỉ ra khỏi nơi ở trong trường hợp thật sự cần thiết. Thực hiện nghiệm nguyên tắc 5K. Yêu cầu người dân chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19 hạn chế di chuyển ra khỏi nơi ở, không đến những nơi tập trung đông người.
Tất cả người dân đến giao dịch, tham gia hoạt động tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... bắt buộc phải quét mã QR bằng ứng dụng PC-Covid hoặc Sổ sức khỏe điện tử (nếu có điện thoại thông minh) hoặc khai báo y tế (nếu không có điện thoại thông minh). Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... phải tổ chức và chịu trách nhiệm kiểm tra việc quét mã QR hoặc khai báo y tế của người dân đến giao dịch, tham gia các hoạt động.
TP khuyến khích cơ sở, hộ kinh doanh thực phẩm, ăn, uống (nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, quán trà sữa...) bán hàng mang đi.
Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 700 ca mắc COVID-19 mới trong một ngày
VOV thông tin chiều 23/11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, bệnh COVID-19 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong 24 giờ qua, tỉnh đã ghi nhận 709 ca mắc mới (đang chờ Bộ Y tế cấp mã bệnh nhân), trong đó có 412 ca mắc ngoài cộng đồng.
Trong hôm nay, hầu hết các huyện, thị xã và thành phố của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều ghi nhận ca mắc mới. TP.Vũng Tàu là địa phương có ca mắc mới cao nhất với 319 ca, trong đó, có 216 ca ngoài cộng đồng, ghi nhận cao nhất vẫn tại xã Long Sơn 109 ca. Nguyên nhân số ca mắc mới vẫn không ngừng gia tăng là do sự chủ quan, lơ là và không chấp hành triệt để biện pháp phòng, chống dịch của một bộ phận người dân, doanh nghiệp.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục kêu gọi người dân, doanh nghiệp, các địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là nhưng cần phải hết sức chủ động, bình tĩnh; tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, tại khu vực cảng biển, nhà máy, các khu công nghiệp... căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế để có đánh giá cấp độ dịch phù hợp, từ đó có cơ sở và biện pháp ứng phó hiệu quả.
Tỉnh Bà Ria-Vũng Tàu cũng khuyến khích doanh nghiệp tổ chức test nhanh COVID-19 cho người lao động định kỳ, doanh nghiệp vừa phải có trách nhiệm phòng, chống dịch vừa mở cửa để phát triển kinh tế nhưng cũng cần linh hoạt, không cứng nhắc, bám sát thực tế dịch bệnh, an toàn tới đâu, mở cửa tới đó, tránh tình trạng vừa mở cửa đã phải đóng cửa vì dịch bệnh.
Việt Hương (T/h)