Bệnh viện ĐH Buôn Ma Thuột cứu thành công ca bệnh lớn tuổi nhồi máu cơ tim mắc COVID-19
Bệnh viện Đại học Buôn Ma Thuột đã cấp cứu thành công ca bệnh nhồi máu cơ tim mắc COVID-19. Sau phẫu thuật, hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe hồi phục tốt, ăn uống bình thường.
Bác sĩ Cù Nhật Quý, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đại học Buôn Ma Thuột cho biết trên Tiền phong, bệnh nhân H.B.H. (SN 1947, trú tại xã Ea Ral, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) lớn tuổi, mắc cả 3 bệnh lý cùng một lúc gồm COVID-19, nhồi máu cơ tim, loét dạ dày tiền sử xuất huyết tiêu hóa nên khi nhập viện cấp cứu, nếu chậm trễ bệnh nhân sẽ ngưng tim và tử vong.
Vì thế, sau khi hội chẩn, ê kíp đã nhanh chóng thực hiện các thủ thuật đặt stent cấp cứu người bệnh.
Sau 5 ngày phẫu thuật, hiện bệnh nhân đã ổn định đang được theo dõi ở khu đặc biệt.
Bác sĩ Quý kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân H.B.H sau phẫu thuật.
Trước đó, vào ngày 8/3, Bệnh viện Đại học Buôn Ma Thuột (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân H.B.H. trong tình trạng đau ngực dữ dội, khó thở nhiều, huyết áp 80/50. Các bác sĩ thăm khám, với chẩn đoán sau hội chẩn bệnh nhân bị sốc tim, nhồi máu cơ tim cấp kèm bệnh lý tăng huyết áp, loét dạ, test nhanh kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2.
Các y bác sĩ của bệnh viện đã nhanh chóng tiến hành phẫu thuật xử lý nhồi máu cơ tim tối cấp cho bệnh nhân, trong đó vừa đảm bảo thực hiện đúng hướng dẫn chuyên môn về xử lý cấp cứu tim mạch, vừa đảm bảo thực hiện đúng quy định hướng dẫn, điều trị cũng như các tiêu chuẩn về phòng mổ cho bệnh nhân COVID-19 của Bộ Y tế.
Quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được đặt 1 sten động mạch liên thất trước do hẹp nặng động mạch liên thất trước. Sau khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân đã giảm đau ngực, không còn tình trạng khó thở, huyết áp ổn định và được chuyển xuống khu vực riêng dành cho bệnh nhân COVID-19.
Từ khi chính thức đi vào hoạt động (16/2/2022) đến nay, Bệnh viện Đại học Buôn Ma Thuột đã tiếp nhận và cấp cứu thành công 7 trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp và tối cấp, trong đó có 2 trường hợp mắc COVID-19.
Sở Y tế TP.HCM yêu cầu rà soát, tăng giường điều trị bệnh nhi COVID-19
Theo Pháp luật TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản đề nghị sẵn sàng thu dung và điều trị trẻ em mắc COVID-19 tại các bệnh viện.
Theo Sở Y tế, trong những ngày gần đây, TP ghi nhận số lượt trẻ em đến khám tại các bệnh viện nhi do nghi ngờ mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo của các bệnh viện nhi, đặc điểm chung của trẻ mắc COVID-19 là sốt, họ và đau họng, rất ít trường hợp có dấu hiệu nặng. Sở Y tế yêu cầu các đơn vị chủ động ứng phó với tình huống số ca mắc ở trẻ em tăng cao.
Trong đó, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố tăng số giường điều trị tại khoa COVID-19 lên tối thiểu 300 giường (trong đó có 50 giường hồi sức). Đảm bảo công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn, tiếp tục tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và điều trị trẻ em mắc COVID-19 theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em của Bộ Y tế cho các bệnh viện theo cụm điều trị đã được phân công.
Bệnh nhi điều trị tại Khoa COVID-19 Bệnh viện Nhi đồng 1.
Giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm quyết định cho bệnh nhi mắc COVID-19 điều trị nội trú tại khoa COVID-19 hoặc phòng cách ly tại các khoa lâm sàng khác tùy theo tình trạng bệnh lý của trẻ và phải đảm bảo công tác phòng chống lây nhiễm.
Cả nước còn gần 4.000 ca COVID-19 nặng, tỷ lệ tử vong giảm sâu
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước đang có 3.990 bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nặng.
Trong 3.990 bệnh nhân nặng đang điều trị, có 3.105 ca thở oxy qua mặt nạ; 440 ca thở oxy dòng cao HFNC; 125 ca thở máy không xâm lấn; 317 ca thở máy xâm lấn và 3 ca đang phải can thiệp ECMO...
Thống kê hàng ngày của Bộ Y tế cho thấy số ca mắc mới trong 1 tháng gần đây liên tục tăng cao nhưng tỷ lệ tử vong luôn ở mức dưới 100 ca/ngày (trung bình trong tuần là 83 ca/ngày).
Bộ Y tế cũng cho biết tỉ lệ tử vong/tổng số mắc đã giảm dần và hiện giảm xuống còn 0,8%, trong khi cao điểm nhất tỉ lệ này lên đến trên 2,2%. Tại TP.HCM, địa phương có số mắc và tử vong cao nhất nước cho đến nay, tỉ lệ tử vong/số mắc đã giảm xuống mức 3,8%, trong khi giai đoạn cao điểm tỉ lệ này là trên 4%.
Việt Hương (T/h)