Theo tin tức Thanh niên, chiều 2/1, Công an thị trấn Bình Dương (huyện Phù Mỹ, Bình Định) vừa phát hiện 2 học sinh tại địa phương chế tạo pháo nổ.
Cụ thể, qua công tác nắm tình hình, sáng 2/1, Công an thị trấn Bình Dương kiểm tra hành chính tại nhà ông N.A.Q (ở thị trấn Bình Dương), phát hiện trong phòng ngủ của N.T.H (13 tuổi, con trai ông Q.) có 60 viên pháo nổ tự chế các loại, gồm: pháo giấy, pháo banh và pháo ống nhựa. Trong đó, viên to nhất dài 22cm, đường kính 10 cm, nặng đến 2kg.
Em H. khai nhận cùng với bạn học chung lớp là P.M.H (13 tuổi, ở thị trấn Bình Dương) xem các clip hướng dẫn chế tạo pháo trên internet. Sau đó, cả hai đặt mua trên mạng xã hội các loại hóa chất, rồi đến điểm mua bán phế liệu mua 3 kg giấy vở học sinh và nhiều dụng cụ để chế tạo pháo nổ có kích cỡ khác nhau.
Sau khi chế tạo, 2 học sinh này đem đốt và lên trường bán cho các bạn sử dụng.
Các viên pháo nổ và dụng cụ, nguyên liệu làm pháo bị công an thu giữ tại nhà ông Q. (Ảnh: Thanh niên)
Trước đó, tối 31/12/2024, Công an xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ) phát hiện 3 học sinh lớp 9 tại địa phương có dấu hiệu đang chế tạo pháo trái phép.
Qua làm việc, 3 học sinh này khai nhận bàn nhau góp tiền mua hóa chất, sau đó rủ thêm 1 học sinh khác trong lớp cùng chế tạo pháo nổ bằng cách làm theo các clip trên internet. Trong quá trình chế tạo pháo, nhóm này đốt thử 4 viên và đều phát nổ.
Công an xã Mỹ Đức và lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở kiểm tra một số địa điểm ngay trong đêm, qua đó phát hiện, thu giữ 12 viên pháo nổ cùng vật liệu, hóa chất, dụng cụ mà nhóm 4 học sinh này dùng chế tạo pháo.
Theo báo Thanh niên, vào ngày 2/1, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Nông cho biết đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tiêu hủy hơn 1 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, ngày 20/12/2024, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Nông tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh ở phường Nghĩa Tân (TP.Gia Nghĩa, Đắk Nông) do ông B.H.H. đứng tên chủ hộ kinh doanh.
Kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện kho lạnh trong khu vực kinh doanh của ông H. có chứa 1.073 kg hàng hóa là thực phẩm đông lạnh, gồm: nội tạng động vật, bẹ sữa non, râu mực… không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Ông H. khai nhận số hàng hóa trên được mua trôi nổi trên thị trường.
Lực lượng chức năng tiêu hủy thực phẩm đông lạnh không có nguồn gốc. (Ảnh: Công an)
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng công an phát hiện cơ sở kinh doanh của ông H. không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc trên để xử lý theo quy định.
Theo đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định xử phạt chủ cơ sở kinh doanh số tiền 55 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh thực phẩm không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm.
Thông tin báo Pháp luật TP.HCM, ngày 2/1, lãnh đạo Trung tâm chấn thương, chỉnh hình và bỏng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết đơn vị vừa cấp cứu cho một bệnh nhân bị tai nạn do pháo nổ.
Bệnh nhân tên B.G.N (10 tuổi, ngụ TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa).
Theo đó, em N nhập viện cấp cứu khoảng 15h35 ngày 1/1/2025, trong tình trạng vết thương phức tạp bàn tay trái, mất xương đốt xa ngón 2, 4, 5,… Ngoài ra, em N còn bị bỏng da mi, bỏng kết mạc mắt bên trái, xây xát vùng mặt.
Em N được cấp cứu, phẫu thuật các vết thương ở tay. (Ảnh: PLO)
Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành sơ cấp cứu, chuyển mổ lúc 17h cùng ngày. Em N đã được cắt lọc, khâu mỏm cụt, khâu vết thương, kết hợp xương.
Theo mẹ em N, cháu tự mua thuốc nổ trên mạng về nhà tự chế pháo thì phát nổ, bị thương nặng.