Tin tức thế giới mới nóng nhất 24h qua. Cập nhật tin tức thế giới mới nhất ngày 21/1 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chưa điều quân sang Libya
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: THX/TTXVN |
Ngày 20/1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định Ankara vẫn chưa triển khai binh sĩ đến Libya để hỗ trợ chính phủ được quốc tế công nhận tại quốc gia Bắc Phi này. Ông nêu rõ Ankara mới chỉ cử cố vấn quân sự và nhóm huấn luyện đến đây.
Phát biểu với báo giới trên chuyến bay trở về từ Hội nghị Hòa bình quốc tế về Libya tại Berlin, Đức, Tổng thống Erdogan nhận định các nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ tại hội nghị đã đặt nền móng cho lệnh ngừng bắn giữa các bên đối địch tại Libya. Theo ông, sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya đã tăng thêm hy vọng về hòa bình.
Đầu năm nay, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua kế hoạch đưa quân tới Libya để hỗ trợ Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) ở Tripoli, được Liên hợp quốc (LHQ) công nhận, chống lại các vụ tấn công của Quân đội miền Đông Libya (LNA) do Tướng Khalifa Haftar đứng đầu, ủng hộ chính quyền ở miền Đông.
Bangladesh tuyên án tử hình 10 tay súng Hồi giáo
Các binh sĩ Bangladesh kiểm tra hiện trường vụ nổ bom năm 2001 tại thủ đô Bangladesh. Ảnh: AFP |
Ngày 20/1, tòa án Bangladesh đã kết án tử hình đối với 10 phiến quân Hồi giáo thực hiện vụ đánh bom nhằm một cuộc mít tinh của đảng Cộng sản Bangladesh cách đây hai thập kỷ khiến 5 người thiệt mạng.
Tại phiên tòa, công tố viên thủ đô Dhaka Abdullah Abu xác nhận cả 10 đối tượng đều đã bị kết tội và tuyên án tử hình. Theo công tố viên, những đối tượng này đã đánh bom để gây hỗn loạn, bôi xấu hình ảnh của chính phủ và nhằm thiết lập một chính phủ mới. Trong khi đó, hai thành viên đảng Cộng sản Bangladesh bị cáo buộc liên quan vụ đánh bom này đều được tuyên trắng án.
Tháng 1/2001, một vài quả bom đã phát nổ tại thủ đô Dhaka, nơi diễn ra cuộc mít tinh của đảng Cộng sản Bangladesh. Qua điều tra, cảnh sát cáo buộc nhánh của Harkat-ul-Jihad al Islami (HUJI) tại Bangladesh là chủ mưu vụ tấn công.
Iran không loại trừ khả năng rút khỏi NPT
Bên trong một cơ sở hạt nhân của Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN |
Ngày 20/1, Iran thông báo sẽ xem xét rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) nếu tranh chấp liên quan tới chương trình hạt nhân của quốc gia này bị đưa ra Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).
Hồi tuần trước, Anh, Pháp và Đức đã kích hoạt quy trình giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) vì cho rằng Tehran đã vi phạm thỏa thuận.
Nếu không được giải quyết trước ủy ban chung, vấn đề sẽ được tiếp tục đưa lên một ban cố vấn và cuối cùng có thể lên tới HĐBA LHQ, dẫn tới việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của LHQ với Tehran. Iran cáo buộc các quốc gia châu Âu không có động thái gì trước việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran.
Mộc Miên (T/h)