Rộ tin Ukraina yêu cầu Mỹ lắp đặt tên lửa
Hệ thống tên lửa THAAD. Ảnh: Getty
TASS ngày 7/2 trích dẫn một nguồn tin ngoại giao tiết lộ, Kiev đã yêu cầu Washington lắp đặt "một số khẩu đội" tên lửa đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) cùng các thiết bị radar tương ứng ở Kharkov, một trong những khu vực phía đông Ukraina giáp Nga.
"Hệ thống radar AN/TPY-2, một phần của tổ hợp THAAD, có khả năng theo dõi tình hình không gian vũ trụ phía trên một phần quan trọng của lãnh thổ Nga và có thể cho phép Kiev cũng như các đồng minh NATO 'nhòm ngó' sâu vào lãnh thổ Nga ở khoảng cách lên đến 1.000km", nguồn tin giải thích.
Khi được hỏi về thông tin trên, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo, khả năng Mỹ triển khai các hệ thống THAAD ở nước láng giềng Nga sẽ làm leo thang hơn nữa cuộc khủng hoảng đang diễn ra quanh Ukraina.
Mỹ duyệt chi 100 triệu USD giúp Đài Loan nâng cấp tên lửa
Hệ thống tên lửa phòng không Patriot. Ảnh: AP
Thông báo từ Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA), cơ quan này đã trình hồ sơ về gói thầu quốc phòng mới cho Đài Loan (Trung Quốc) lên Quốc hội sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ chấp thuận đề nghị hỗ trợ nâng cấp các hệ thống tên lửa phòng không Patriot từ phía Đài Bắc.
"Nâng cấp hệ thống phòng không Patriot sẽ giúp cải thiện an ninh của Đài Loan và hỗ trợ duy trì ổn định chính trị, cân bằng quân sự, kinh tế và tiến bộ trong khu vực", thông báo của DSCA nêu rõ.
Theo DSCA, thương vụ này phục vụ lợi ích quốc gia, kinh tế và an ninh của Mỹ bằng cách hỗ trợ nỗ lực hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của Đài Loan và duy trì khả năng phòng thủ của hòn đảo này.
NATO tăng cường khả năng tấn công của Ukraine ở Donbass
Các nước phương Tây đang tăng cường năng lực quân sự cho Ukraine. Ảnh: AFP
Theo hãng tin RIA Novosti, ngày 8/2, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết Nhà Trắng có kế hoạch tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kiev.
“Chúng tôi tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Quốc hội, các đồng minh và đối tác của chúng tôi để tăng cường hỗ trợ đáng kể cho Ukraine nhằm giúp họ tự vệ”, ông Blinken nói sau cuộc họp của Hội đồng Năng lượng Mỹ-EU.1
Kể từ năm 2014, các nước NATO do Mỹ dẫn đầu đã cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự cho Ukraine, điều này vi phạm trực tiếp các thỏa thuận Minsk và ảnh hưởng tiêu cực đến việc ổn định ở Donbass. Ngoài Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Litva, Séc, Bulgaria, Romania, Estonia tham gia chuyển giao vũ khí với tổng trị giá hàng tỷ USD.
Mộc Miên (T/h)