Israel oanh tạc loạt địa điểm ẩn náu của Hamas
Theo thông tin mới nhất từ hãng tin RT, máy bay chiến đấu của Israel đã tấn công 2 nhà thờ Hồi giáo ở dải Gaza, nơi đặt trung tâm chỉ huy của Hamas để chỉ đạo cuộc tấn công nhằm vào Israel.
“Các máy bay chiến đấu đã tấn công hai cơ sở hạ tầng hoạt động nằm trong các nhà thờ Hồi giáo và được tổ chức Hamas sử dụng để chỉ đạo khủng bố chống lại nhà nước Israel”, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết.
Israel oanh tạc loạt địa điểm ẩn náu của Hamas. Ảnh: 9News
IDF cho rằng Hamas đang sử dụng các thánh địa và nơi ở của dân thường ở dải Gaza để né tránh đòn đáp trả của Israel. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nước này đang có chiến tranh với nhóm phiến quân Hamas.
Ông Benjamin đồng thời nhấn mạnh sẽ “trả thù cho ngày đen tối này” và biến tất cả các địa điểm được Hamas sử dụng ở dải Gaza thành đống “đổ nát”.
“Tất cả những nơi mà Hamas ẩn náu và hoạt động, chúng tôi sẽ biến thành đống đổ nát”, ông Netanyahu nói, kêu gọi người dân trong khu vực tránh xa những địa điểm đó.
Nhóm chiến binh Hamas phát động cuộc tấn công lớn nhất vào Israel trong nhiều thập kỷ vào ngày 7/10, chiếm nhiều thị trấn của Israel từ dải Gaza và phóng tên lửa vào Israel. Chính quyền Israel cho biết, ít nhất 300 người thiệt mạng và hơn 2.000 người bị thương ở Gaza và Israel sau khi phiến quân Hamas bắn tên lửa vào Israel từ Gaza.
Đây là một trong những động thái leo thang căng thẳng nghiêm trọng nhất tại khu vực trong nhiều năm qua. Lần giao tranh dữ dội nhất giữa Israel và các nhóm vũ trang tại Dải Gaza xảy ra năm 2021.
Ukraine biến thuyền kayak thành vũ khí chiến đấu
Theo ABC News, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã chứng kiến sự xuất hiện của nhiều loại vũ khí tự chế và phi truyền thống, từ xuồng tự sát, phương tiện không người lái (UAV), cho đến hệ thống chống UAV làm từ súng máy Maxim có từ Thế chiến I.
Công ty Adamant Verf có trụ sở tại Kiev gần đây phát triển mẫu thuyền kayak chiến đấu Poloz-M16 phục vụ các chiến dịch vượt sông bí mật. "Đặc nhiệm Ukraine tìm đến tôi và đề xuất ý tưởng về chiếc Poloz-M16. Tôi chỉ mất một đêm để hoàn thành bản thiết kế", ông Serhiy Ostashenko - CEO Adamant Verf nó đồng thời tiết lộ Poloz-M16 tương tự các mẫu thuyền mà quân đội Mỹ và Anh đang sử dụng, nhưng với giá rẻ hơn 10 lần, chỉ khoảng 2.500 USD mỗi chiếc.
Ukraine biến thuyền kayak thành vũ khí chiến đấu. Ảnh: Adamant Verf
Poloz-M16 được thiết kế để tiến hành các nhiệm vụ bí mật thay vì xung kích, nên có trọng lượng nhẹ, tính cơ động cao và di chuyển một cách yên lặng. Nó có thể chở tối đa 3 người và 250 kg hàng hóa, sở hữu độ bền cao với tuổi thọ hơn 50 năm, nhờ được chế tạo từ loại nhựa polyethylene đặc biệt, có thể chịu được băng giá và nhiệt độ lớn.
Poloz-M16 có thể được điều khiển từ xa, trong trường hợp binh sĩ trên thuyền bận sử dụng vũ khí và không thể dùng mái chèo. Thuyền có đủ các trang bị cần thiết để tiến hành các chiến dịch dài ngày, từ lều bạt, dao rựa cho đến bếp đun nấu.
Vũ khí chính của Poloz-M16 súng phóng lựu tự động UAG-40 cỡ 40 mm do quân đội Ukraine sản xuất theo chuẩn NATO. Nó được gắn ở mũi thuyền, có tầm bắn hơn 2 km, tốc độ nhả đạn 370-400 viên/phút, được trang bị hệ thống chống giật giúp thuyền vẫn giữ ổn định trên mặt nước khi khai hỏa.
Poloz M-16 đã chứng minh được hiệu quả trên chiến trường, khi từng được quân đội Ukraine sử dụng trong một chiến dịch hồi năm ngoái ở sông Oskil, tỉnh Kharkov. Sergiy, binh sĩ tham gia chiến dịch, cho biết đơn vị của anh dùng chiếc kayak để trinh sát vào ban đêm, vận chuyển thuốc nổ và cuối cùng là mở lối cho lực lượng đột kích, khiến quân Nga phải rút lui.
Ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ kể từ khi xung đột với Nga bùng phát, với sự xuất hiện của hàng trăm vũ khí tự chế như Poloz M-16.
Nhằm thúc đẩy sáng tạo trong lĩnh vực quân sự, chính phủ Ukraine mới đây đã tạo ra nền tảng Brave1, nơi các nhà đầu tư và khách hàng gặp gỡ để thảo luận về việc phát triển các vũ khí mới. "Chúng tôi sẽ trở thành một trong những nước dẫn đầu về đổi mới trong công nghệ quân sự", ông Fedorov nhận định.
Phương Uyên (T/h)