Iran chế tạo thành công radar chiến thuật và hệ thống mô phỏng
Bộ mô phỏng và radar chiến thuật tầm trung Hormuz. Ảnh: tehrantimes.com
Bộ Quốc phòng Iran ngày 2/10 đã cho ra mắt một radar chiến thuật và hệ thống mô phỏng do nước này sản xuất.
Chỉ huy trưởng lực lượng phòng không Iran Alireza Sabahi Fard cho biết radar tầm trung mang tên Hormuz có khả năng tính toán tốc độ và khoảng cách của mục tiêu với độ chính xác cao, sau đó truyền dữ liệu tới hệ thống kiểm soát hỏa lực để phóng tên lửa phòng không.
Ông Fard nhấn mạnh radar mới giúp tăng cường khả năng tác chiến, giảm thời gian sửa chữa và bảo dưỡng, cũng như nâng cao tính chính xác trong việc phát hiện mục tiêu.
Mỹ sẽ được trang bị tên lửa tấn công chính xác tầm xa mới
Phóng thử tên lửa tấn công chính xác PrSM từ xe tải HIMARS. Ảnh: U.S. Army.
Bộ Quốc phòng Mỹ vừa ký hợp đồng 62 triệu USD với nhà thầu Lockheed Martin để hãng này thực hiện giai đoạn kỹ thuật và sản xuất của PrSM sau bốn lần thử nghiệm bắn thử thành công, Breaking Defense đưa tin ngày 1/10.
Chương trình PrSM được thiết kế để thay thế hệ thống tên lửa chiến thuật của quân đội Mỹ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tên lửa chiến thuật có tầm bắn tối đa 300 km, trong khi tên lửa tấn công chính xác thuộc PrSM có tầm bắn 500 km và sẽ được cải tiến để bay xa 1.000 km.
Bà Becky Withrow, giám đốc phát triển kinh doanh bộ phận tên lửa và kiểm soát hỏa lực của Lockheed Martin, nói: “Cột mốc quan trọng này là bước tiếp theo để hoàn thiện PrSM”. Lockheed Martin sẽ tiếp tục phát triển PrSM, bao gồm đánh giá chất lượng hệ thống, các hoạt động sẵn sàng sản xuất cũng như kiểm tra và đánh giá hoạt động ban đầu.
Bình Nhưỡng đang áp dụng chiến thuật "hai mũi nhọn"
Một vụ phóng thử tên lửa từ tàu hoả của Bình Nhưỡng hồi tháng 9. Ảnh: KCNA.
Yonhap ngày 2/10 dẫn lời giáo sư Yang Moo-jin, một chuyên gia về CHDCND Triều Tiên ở Seoul (Hàn Quốc) cho biết, các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng là động thái nhắc nhở thế giới rằng, nước này vẫn đang phát triển vũ khí mang đầu đạn hạt nhân.
Cụ thể, giáo sư Yang Moo-jin nêu rõ: "CHDCND Triều Tiên đang sử dụng lại chiến thuật hai mũi nhọn, cho phép nước này vừa phô diễn sức mạnh quân sự, vừa tránh nguy cơ bị trả đũa hoặc bỏ lỡ cơ hội đối thoại".
Lý giải cho nhận định nêu trên, giáo sư Yang Moo-jin viện dẫn, Bình Nhưỡng đã để ngỏ khả năng tổ chức đàm phán và tuyên bố mở lại đường dây nóng liên Triều. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian đó, nước này phóng thử hàng loạt vũ khí, gồm tên lửa hành trình tầm xa, tên lửa siêu thanh và phòng không mới.
Mộc Miên (T/h)