Thiết giáp tự chế của Ukraine lộ “điểm yếu chí mạng” trên chiến trường
Theo thông tin quân sự do tạp chí Forbes đăng tải, để đối phó với việc phần lớn xe chiến đấu bộ binh đã bị Nga phá hủy, Ukraine quyết định sẽ tự cải tiến và chế tạo ra thiết giáp đưa ra tiền tuyến. Đáng chú ý nhất có thể kể đến thiết giáp tự chế BMP-1LB nhưng thiết giáp vẫn còn này ẩn chứa hàng loạt vấn đề nghiêm trọng.
Bản gốc của BMP-1LB là MT-LB, xe bọc thép hỗ trợ kỹ thuật bánh xích đa dụng có từ những năm 1970. Mục tiêu của Ukraine là tạo ra thiết giáp có thể sản xuất số lượng lớn, giá thành rẻ, sử dụng nguồn lực sẵn có trong nước để bù đắp cho sự thiếu hụt đáng kể vũ khí trên tiền tuyến.
Thiết giáp BMP-1LB do Ukraine tự cải tiến từ MT-LB. Ảnh: Militarnyi
Tuy nhiên, các nguồn tin trên chiến trường lại cho biết BMP-1LB tồn tại hàng loạt vấn đề nghiêm trọng. Tháp pháo điều khiển từ xa có giá thành vào khoảng 200.000 USD, bằng một nửa chi phí cải tiến chiếc BMP-1LB. Tuy nhiên, nó lại rất mỏng manh và dễ bị gây nhiễu.
Do nó chỉ có một khẩu súng máy, khác với những tháp pháo khác có 2 khẩu, nên tổ hợp này sẽ trở nên vô dụng khi bị kẹt đạn. Lớp giáp bổ sung giúp bảo vệ thiết giáp hiệu quả hơn trước hỏa lực của Nga, nhưng lại quá nặng, khiến chiếc xe trở nên cồng kềnh và ảnh hưởng tới khả năng cơ động.
Ngoài ra, động cơ không được thiết kế cho một thiết bị khối lượng lớn khiến BMP-1LB di chuyển không nhanh, và thường gặp trục trặc khi di chuyển được khoảng 100km. Trên đường thẳng, chiếc xe có thể đạt tốc độ 50km, nhưng tốc độ giảm mạnh khi di chuyển giữa các chướng ngại vật. Ở trong rừng, chiếc xe nặng nề này chỉ có thể di chuyển ngang với tốc độ một người đi bộ.
Theo báo Mỹ, dù thiết giáp trên tồn tại nhiều hạn chế, nhưng với việc Ukraine thiếu hụt nghiêm trọng thiết giáp sau nhiều tháng chiến sự khốc liệt, thì BMP-1LB là lựa chọn "có còn hơn không" đối với Kiev.
Mỹ cáo buộc Iran chiếu laser vào trực thăng
Ngày 28/9, Hải quân Mỹ cho biết, nhân viên trên các tàu thuộc hải quân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran liên tục chiếu laser vào trực thăng tấn công AH-1Z Viper của Thủy quân lục chiến Mỹ đang thực hiện bay thường lệ trong không phận quốc tế ở Vùng Vịnh ngày 27/9.
Trực thăng tấn công AH-1Z Viper của Thủy quân lục chiến Mỹ. Ảnh: Getty Images
"Đây không phải hành động của lực lượng chuyên nghiệp. Hành vi không an toàn, thiếu chuyên nghiệp và vô trách nhiệm này của hải quân Iran đe dọa tính mạng công dân Mỹ và quốc gia đối tác. Iran cần chấm dứt ngay lập tức", ông Rick Chernitzer - phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Trung tâm Lực lượng Hải quân Mỹ nói.
Ông Chernitzer cho biết thêm rằng không có người bị thương và trực thăng cũng không bị hư hại trong vụ việc. Hải quân Mỹ sẽ "vẫn cảnh giác và hoạt động ở vùng biển, vùng trời hay bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, đồng thời thúc đẩy an ninh hàng hải khu vực". Iran hiện chưa phản hồi cáo buộc của Mỹ.
Chiếc AH-1Z Viper thuộc đơn vị trên tàu tấn công đổ bộ USS Bataan. Tàu này được điều đến khu vực Trung Đông trong nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn việc Iran bắt tàu chở dầu thương mại. Đây là lần thứ hai trong 6 năm qua Iran bị cáo buộc chiếu laser vào trực thăng của tàu USS Bataan.
Trước đó, Mỹ tửng nhiều lần cáo buộc Iran đã quấy rối hoặc bắt khoảng 20 tàu hàng nước ngoài trong hai năm qua trên Vùng Vịnh, gọi đây là hành vi "đe dọa nghiêm trọng an ninh hàng hải khu vực và kinh tế toàn cầu". Loạt sự cố như vậy xảy ra từ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp dụng lại các biện pháp trừng phạt với Tehran.
Phương Uyên (T/h)