Nga đưa viện binh đến Ukraine sớm hơn kế hoạch
Trong báo cáo cập nhật thông tin tình báo liên quan đến chiến sự Nga - Ukraine, Bộ Quốc phòng Anh cho biết Moscow "nhiều khả năng" đã triển khai các đơn vị thuộc Quân đoàn Vũ khí hỗn hợp số 25 (25CAA) đến chiến trường Ukraine do lực lượng của họ đang bị kéo căng ở tiền tuyến trước cuộc phản công của Kiev.
"Các đơn vị của 25CAA rất có thể đã lần đầu tiên được triển khai đến Ukraine. Lực lượng này dường như tập trung vào khu vực Lugansk ở Đông Bắc Ukraine", báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh tiết lộ.
Nga đưa viện binh đến Ukraine sớm hơn kế hoạch. Ảnh: New York Times
Giới chức Nga hiện chưa đưa ra bình luận về thông tin này. Tuy nhiên, nếu thông tin được xác thực, Nga đã triển khai lực lượng dự bị này sớm hơn so với kế hoạch ban đầu là cuối năm nay.
Phía Anh nhận định, dường như việc vội vã triển khai viện binh sớm hơn dự kiến này một phần là do Nga tiếp tục bị kéo căng lực lượng dọc chiến tuyến trong bối cảnh Ukraine tiếp tục cuộc phản công theo 3 trục. Theo đó, rất có thể Nga sẽ sử dụng các đơn vị của 25CAA để tái tạo một lực lượng dự bị sẵn sàng tại chiến trường nhằm cung cấp cho các chỉ huy khả năng hoạt động linh hoạt hơn.
Đầu tháng này, Viện nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cũng từng cho rằng các đơn vị của 25CAA có thể được triển khai một phần đến Lugansk để chuyển một phần lực lượng tinh nhuệ của Nga ở đây chi viện cho mặt trận miền Nam, nơi các cuộc giao tranh diễn ra khốc liệt hơn.
ISW đánh giá binh sĩ của 25CAA có thể gặp trở ngại khi tác chiến do vchưa được huấn luyện đầy đủ trong bối cảnh triển khai vội vã, sớm hơn nhiều so với kế hoạch. Giới quan sát cho rằng, việc Nga gấp rút triển khai viện binh có thể là dấu hiệu cho thấy cuộc phản công của Ukraine đang đạt được các bước tiến bất chấp những ý kiến trái chiều.
Mỹ duyệt bán loạt tiêm kích F-35 hơn 5 tỷ USD cho Hàn Quốc
Theo thông tin mới nhất từ hãng tin Reuters, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) thuộc Lầu Năm Góc hôm 13/9 thông báo Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt hợp đồng tiềm năng trị giá 5,06 tỷ USD để cung cấp 25 tiêm kích tàng hình F-35 phiên bản cất hạ cánh thông thường, cùng phụ tùng, thiết bị kỹ thuật và hỗ trợ huấn luyện cho Hàn Quốc.
Tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ. Ảnh: Financial Times
"Thương vụ này sẽ hỗ trợ chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ thông qua cải thiện an ninh cho một đồng minh chủ chốt, cũng là quốc gia có vai trò động lực quan trọng với ổn định chính trị và kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", thông cáo của DSCA viết.
Giới chức Mỹ khẳng định thương vụ sẽ cải thiện khả năng của Hàn Quốc trong ứng phó những mối đe dọa hiện tại và tương lai, thông qua cung cấp năng lực phòng thủ đáng tin cậy và bảo đảm khả năng hiệp đồng cùng lực lượng Mỹ.
"Hàn Quốc đã sở hữu tiêm kích F-35 và sẽ không gặp khó khăn nào trong quá trình tiếp nhận lô vũ khí mới. Thương vụ này sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự trong khu vực", theo DSCA.
Không quân Hàn Quốc hiện đang vận hành 40 tiêm kích F-35A, phiên bản cất hạ cánh thông thường của dòng chiến đấu cơ này, trong đó một chiếc bị hỏng nặng và có nguy cơ bị loại biên sau khi đâm phải chim. Chính phủ Hàn Quốc hồi tháng 3 phê duyệt kế hoạch trị giá 2,85 tỷ USD để mua thêm tiêm kích F-35A, dự kiến bàn giao vào năm 2028.
Hải quân Hàn Quốc cũng có kế hoạch mua 20 chiếc F-35B với khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng, song quốc hội chưa chấp thuận.
Phương Uyên (T/h)