Tổng thống Pháp nói xung đột Nga - Ukraine sắp đến bước ngoặt
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhắc lại rằng phương Tây nên tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine, với lý do “tháng tới sẽ rất quan trọng đối với cuộc xung đột”. Tuy nhiên, ông không nói rõ các sự kiện trong tháng 12 có thể ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng như thế nào.
Về khả năng chấm dứt chiến sự, ông Macron cho rằng vẫn chưa đến lúc Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga, và quyết định về vấn đề này nên do Kiev đưa ra một cách độc lập. Tuy nhiên, ông nói rằng đến một lúc nào đó có thể “có những cuộc thảo luận công bằng và tốt đẹp, để quay trở lại bàn đàm phán và tìm giải pháp với Moscow”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói xung đột Nga - Ukraine sắp đến bước ngoặt. Ảnh: Getty Images
Ukraine bắt đầu chiến dịch phản công từ đầu tháng 6, nhưng theo Nga là chưa đạt được thành tựu nào đáng kể. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu ước tính thiệt hại của Ukraine lên tới 600 xe tăng và 1.900 xe bọc thép kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công.
Hãng tin NBC News của Mỹ tuần trước đưa tin các quan chức phương Tây đã tham gia vào các cuộc đàm phán “tế nhị” với Kiev để xem liệu nước này có thể xem xét một số nhượng bộ đối với Nga nhằm chấm dứt giao tranh hay không.
Theo hãng tin này, các cuộc đàm phán được thúc đẩy bởi mối lo ngại từ phương Tây rằng cuộc xung đột đã “rơi vào bế tắc” và rằng Ukraine đang “hết lực lượng”.
Nga nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Kiev. Tuy nhiên vào mùa thu năm ngoái, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh cấm mọi cuộc đàm phán với giới lãnh đạo hiện tại ở Moscow sau khi bốn khu vực cũ của Ukraine bỏ phiếu sáp nhập Nga.
Máy bay quân sự Mỹ rơi ở Địa Trung Hải
Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ (EUCOM) ngày 11/11 (giờ địa phương) cho biết, một máy bay quân sự của Mỹ đã bị rơi ở phía đông Địa Trung Hải. Washington gần đây đã triển khai hai nhóm tàu sân bay tới khu vực như một biện pháp răn đe trong bối cảnh cuộc xung đột căng thẳng đang diễn ra ở dải Gaza.
EUCOM cho biết trong một tuyên bố ngắn gọn rằng chiếc máy bay đang thực hiện chuyến bay huấn luyện vào tối 10/11 thì “gặp sự cố và rơi”. Lầu Năm Góc không cung cấp thêm bất kỳ thông tin nào về loại máy bay, có bao nhiêu người trên máy bay, vụ việc xảy ra trên đất liền hay trên biển.
Máy bay quân sự Mỹ rơi ở Địa Trung Hải. Ảnh: Getty Images
“Tuy nhiên, chúng tôi có thể nói chắc chắn rằng chuyến xuất kích của máy bay hoàn toàn liên quan đến huấn luyện và không có dấu hiệu nào cho thấy hoạt động thù địch... Vì tôn trọng những gia đình bị ảnh hưởng, chúng tôi sẽ không tiết lộ thêm thông tin về nhân sự có liên quan vào thời điểm này”, EUCOM cho hay.
Ngoài một số căn cứ không quân trong khu vực, quân đội Mỹ còn có nhóm tấn công tàu sân bay USS Gerald R. Ford hoạt động ở phía đông Địa Trung Hải.
Nhóm tấn công thứ hai, do tàu USS Dwight D. Eisenhower dẫn đầu, cũng có mặt trong khu vực gần đây nhưng sau đó đã đi qua kênh đào Suez đến Trung Đông để “ngăn chặn tốt hơn các hành động thù địch chống lại Israel hoặc bất kỳ nỗ lực nào nhằm mở rộng cuộc chiến này sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel”.
Năm ngoái, một chiếc F-18 Super Hornet thuộc nhóm tàu sân bay USS Harry S. Truman đã “nổ tung” do “thời tiết xấu bất ngờ” trong một nhiệm vụ tiếp tế ở Địa Trung Hải. Chiếc máy bay bị chìm ở độ sâu hàng nghìn mét dưới biển nhưng được trục vớt một tháng sau đó.
Phương Uyên (T/h)