Tổng thống Ukraine hé lộ cách sử dụng tài sản tịch thu từ Nga
Hãng tin RT đưa tin, phát biểu tại diễn đàn Công nghiệp Quốc phòng Quốc tế đầu tiên ở thủ đô Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ thành lập một quỹ quốc phòng mới, bao gồm các tài sản Nga bị tịch thu như một trong những nguồn chính của quỹ.
Ông Zelensky cho biết, động thái này nhằm mục đích cung cấp cho chính quyền Kiev "các nguồn lực bổ sung" để thúc đẩy sản xuất quân sự, tạo ra các chương trình quốc phòng mới và hỗ trợ quân đội nước này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: WSJ
"Quỹ sẽ được bổ sung từ tài sản quốc phòng nhà nước và lợi nhuận từ việc bán tài sản của Nga bị tịch thu", nhà lãnh đạo Ukraine nói nhưng không nêu rõ liệu ông đang nói về gần 300 tỷ USD dự trữ vàng và ngoại hối của Nga đã bị các nước phương Tây đóng băng hay về tài sản thuộc sở hữu của Nga ở Ukraine bị tịch thu sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022.
Ngoài ra, ông Zelensky cũng cho biết, Ukraine và 38 nhà sản xuất vũ khí từ 19 quốc gia đã bắt tay hợp tác lập một liên minh. "Ưu tiên của chúng tôi là phát triển sản xuất quốc phòng bằng công nghệ hiện đại, bao gồm sản xuất đạn pháo, tên lửa và máy bay không người lái ở Ukraine, với sự hợp tác của các công ty toàn cầu trong lĩnh vực này", theo Tổng thống Ukraine.
Ông Zelensky nhấn mạnh các công ty sẵn sàng hợp tác sản xuất vũ khí với Ukraine sẽ nhận được các điều kiện đặc biệt. Ông nêu quyết tâm sẽ biến Ukraine thành trung tâm sản xuất quân sự quốc tế.
Ukraine đang nỗ lực gia tăng sản xuất vũ khí trong bối cảnh chiến sự với Nga chưa có dấu hiệu khép lại và Kiev phải phụ thuộc phần lớn vào sự hỗ trợ quân sự từ phương Tây. Ngày 30/10, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Aleksey Danilov cho biết phương Tây đã không nói rõ liệu họ sẽ sát cánh cùng Kiev cho đến khi Ukraine chiến thắng trong cuộc xung đột hay chỉ trong một khoảng thời gian giới hạn.
Mỹ phát triển đạn pháo thông minh chống gây nhiễu
Theo thông tin mới nhất từ Business Insider, Lực lượng lục quân Mỹ đang tìm kiếm nhà sản xuất cho dự án phát triển C-DAEM, loại đạn pháo 155 mm tự dẫn đường có thể bắn chính xác vào xe tăng và các mục tiêu đối phương ngay cả khi tín hiệu định vị vệ tinh bị gây nhiễu.
Dự án C-DAEM được công bố từ năm 2018, nhằm chế tạo loại đạn pháo chuyên diệt xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và pháo tự hành đối phương, với tầm bắn tối đa là 35 km khi sử dụng trên các loại pháo như M109A6 Paladin hay M777.
Khi được khai hỏa từ pháo tăng tầm (ERCA) XM1299 có chiều nòng dài hơn, C-DAEM có thể đạt tầm bắn lên tới 70 km. "Đạn pháo này có thể đạt sơ tốc đầu nòng cần thiết để bay xa 70 km với thuốc phóng thử nghiệm từ hệ thống pháo tăng tầm", lục quân Mỹ cho biết.
Nguyên mẫu thuộc dự án ERCA được thử nghiệm trên thao trường. Ảnh: US Army
Pháo tăng tầm ERCA là dự án pháo tự hành cỡ nòng 155 mm nhằm giúp Mỹ bắt kịp với Nga và Trung Quốc, những nước sở hữu các dòng pháo tự hành có tầm bắn tối đa hơn 70 km, gần gấp đôi dòng pháo chủ lực M109 Paladin của lục quân Mỹ.
Việc pháo binh được sử dụng một cách phổ biến và đạt hiệu quả cao trên chiến trường Ukraine càng thúc đẩy Mỹ nâng cấp các loại pháo thông minh để không bị tụt hậu trong lĩnh vực này.
Tướng James Rainey, chỉ huy Bộ tư lệnh Hợp đồng Tương lai của lục quân Mỹ, hồi tháng 7 tiết lộ Washington đang nghiên cứu chiến lược pháo binh mới được đúc rút từ kinh nghiệm tác chiến ở Ukraine và dự kiến công bố vào cuối năm nay.
"Nếu hoạt động được như thiết kế, đạn pháo C-DAEM có thể được dùng để tấn công các khu vực nằm sâu trong lãnh thổ đối phương hoặc hoạt động gần tiền tuyến để yểm trợ bộ binh", chuyên gia quân sự Michael Peck nói đồng thời nhấn mạnh C-DAEM có thể giải quyết một số vấn đề của pháo binh Mỹ, như cải thiện khả năng bắn trúng mục tiêu đang chuyển động ở khoảng cách xa và phân biệt địch - ta.
Một ưu điểm khác của C-DAEM là nó có thể hoạt động hiệu quả ngay cả khi tín hiệu GPS bị nhiễu hoặc gián đoạn. Theo tạp chí New Scientist có trụ sở tại Anh, đạn pháo này có khả năng dẫn đường tự động, sử dụng cảm biến để phát hiện, xác định và tấn công mục tiêu, thay vì dùng tín hiệu định vị vệ tinh GPS hoặc tia laser để dẫn đường như một số dòng đạn pháo thông minh khác của Mỹ và Nga.
Phương Uyên (T/h)