Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 25/12: Sản phụ bị "thiểu ối" vẫn "mẹ tròn con vuông"

(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 25/12/2020. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 25/12/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tin tức đời sống mới nhất ngày 25/12/2020. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 25/12/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Sản phụ bị "thiểu ối" vẫn "mẹ tròn con vuông" nhờ được truyền ối

Sản phụ "mẹ tròn con vuông" sau khi được truyền ối điều trị thiểu ối (Ảnh: BV)

Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng vừa điều trị thành công cho sản phụ Nguyễn Thị Minh H. (25 tuổi, trú huyện An Dương, Hải Phòng) bị thiểu ối.

Khi sản phụ mang thai thường đi khám quản lý thai ở phòng khám tư. Đến tuần thai 24, sản phụ thấy có điều gì đó không ổn nên quyết định đến bệnh viện Phụ sản Hải Phòng thăm khám. Kết quả cho thấy, bệnh nhân bị tiểu đường thai kỳ. Ngoài ra, bác sĩ còn xác định sản phụ bị "thiểu ối" khiến bệnh nhân lo lắng.

Sau khi được tư vấn, PGS.TS Vũ Văn Tâm, Giám đốc BV thực hiện kỹ thuật truyền ối điều trị thiểu ối ở tuần 29. Sau 2 lần truyền, mức ối của sản phụ trở lại bình thường và ổn định.

Đến tuần 37, sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ và được chỉ định mổ sinh. Bé chào đời hoàn toàn khỏe mạnh, nặng 2,5kg, sức khỏe mẹ ổn định. Hiện tại, mẹ con sản phụ đang được chăm sóc tại Khoa Sản 3.

Theo các chuyên gia, nước ối là chất lỏng bao quanh thai nhi. Nước ối có vai trò vô cùng quan trọng như giúp bảo vệ thai nhi khỏi bị chấn thương khi ở trong bụng mẹ, là môi trường vô khuẩn tránh được các nhiễm trùng đặc biệt ở phổi, dinh dưỡng cho thai nhi, hỗ trợ giữ cho thai nhi có thân nhiệt ổn định thích hợp.

Thiểu ối là hiện tượng lượng nước ối ít hơn mức sinh lý bình thường. Thiểu ối tiềm ẩn những nguy cơ như thiểu sản phổi, chèn ép dây rốn, khoèo chi,… thông thường, thiếu ối xuất hiện ở những thai quá ngày sinh, thai chậm phát triển trong tử cung.

Ngoài ra, một số ít xuất hiện sớm trong những tháng đầu thai kỳ trường hợp này tiên lượng thường xấu hơn, thường liên quan đến bất thường của thai nhi. Thiểu ối tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì vậy việc phát hiện sớm giúp cho quá trình điều trị tiên lượng tốt.

Gắp mảnh ớt 2cm "bỏ quên" trong phế quản của cụ ông

Mảnh ớt 2cm trong phế quản của cụ ông. (Ảnh: BV)

Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng vừa xử trí một ca khá hy hữu khi dị vật là mảnh ớt ở phế quản thùy dưới phổi phải được phát hiện và gắp thành công cho nam bệnh nhân, 62 tuổi ở Ý Yên, Nam Định.

Bệnh nhân có tiền sử ho khạc đờm, khó thở nhiều đợt trong năm. Đợt này, biểu hiện khó thở, đờm đặc xanh, tức ngực phải, bệnh nhân đã điều trị kháng sinh, thuốc giãn phế quản tại tuyến huyện nhưng không đỡ.

Ngoài ra, bệnh nhân còn có tiền sử hay ăn ớt và sặc nhiều lần. Lần gần nhất bị sặc cách đây hơn 1 tháng, bệnh nhân được đưa đến khám tại chuyên khoa hô hấp, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng.

Qua thăm khám, phổi bệnh nhân có rên rít 2 bên, rên ngáy, đặc biệt đáy phổi phải có rên ẩm. Chụp CTscan ngực có hình ảnh đông đặc thùy dưới phổi phải. Bác sĩ nhận định, dị vật đã gây tổn thương - viêm phổi, giãn phế quản bội nhiễm và viêm mủ phế quản thùy dưới phổi phải.

Bệnh nhân được bác sĩ tiến hành nội soi phế quản và phát hiện dị vật tại phế quản phân thùy 9 phổi phải. Sau khi được các bác sĩ gắp dị vật thành công là một mảnh ớt dài 2cm, bệnh nhân đã đỡ ho, đỡ khó thở, hết đờm đặc xanh, được chăm sóc, theo dõi và xuất viện sau 1 tuần.

Lọc máu liên tục, cứu bệnh nhân biến chứng suy đa tạng 

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa cứu sống bệnh nhân nam, 23 tuổi, ở tỉnh Hậu Giang.

Bệnh nhân L.V.S được chẩn đoán sốc nhiễm trùng từ đường hô hấp biến chứng suy đa cơ quan/viêm phổi nặng biến chứng ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển ở người lớn). Bệnh nhân có thể tử vong sau vài giờ nếu không được can thiệp bằng máy lọc máu liên tục với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng.

Sau 2 ngày lọc máu liên tục, bệnh nhân dần tỉnh táo, sức khỏe hồi phục tốt. Theo các bác sĩ, chi phí phí lọc máu có thể lên đến 40 triệu đồng/ngày trong khi bệnh nhân không có bảo hiểm y tế, không có khả năng chi trả viện phí.

Ban Giám đốc Bệnh viện đã nhanh chóng yêu cầu các ê-kíp khẩn cấp cứu người trước; về viện phí, sẽ tìm hướng xử lý sau. Bác sĩ Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện, cho biết: Chi phí điều trị của bệnh nhân S đã lên đến 90 triệu đồng.

Bệnh viện đã giao Phòng Công tác xã hội vận động mạnh thường quân và trích kinh phí từ quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo của bệnh viện để hỗ trợ bệnh nhân.

Việt Hương (T/h)

Tin nổi bật