Tin tức đời sống mới nhất ngày 21/4/2021. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 21/4/2021 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Bé trai 10 tuổi rơi vào tình trạng nguy kịch vì bị rắn lục cắn
Theo thông tin được đăng trên Tri Thức Trực Tuyến, vào hôm 19/4 vừa qua, bé Nhân (10 tuổi, quê Bến Tre) bất ngờ bị rắn lục tre cắn vào chân trái khi đang chơi ở sau nhà. Phần gót chân trái của Nhân sau đó đã bị sưng nề, máu chảy không cầm được. Gia đình thấy vậy ngay lập tức đưa Nhân tới Bệnh viện Nhi đồng Thành phố để cấp cứu.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, Nhân đã được truyền huyết thanh giải độc, cùng với đó là huyết tương để điều chỉnh rối loạn đông máu. Hiện, Nhân đã qua cơn nguy kịch và dần lấy lại khả năng vận động ở chân trái.
Bé Nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP.HCM) cấp cứu sau khi bị rắn lục tre cắn. Ảnh: Phương Vũ/ Tri Thức Trực Tuyến |
Theo bộ Y tế, các tài liệu đã công bố cho thấy Việt Nam có 19 loài rắn lục được phát hiện, trong số đó rắn lục tre xuất hiện phổ biến trên cả nước. Nọc của rắn lục chứa men tiêu hủy protein khiến người bị cắn dễ rơi vào tính trạng rối loạn đông máu, hình thành huyết khối trong lòng mạch, gây giảm tiểu cầu. Nạn nhân có thể sẽ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Nhân trường hợp của bé Nhân, các bác sĩ khuyến cáo mọi người cần phát quang bờ cây, bụi rậm. Bên cạnh đó, nên trồng sả hoặc rắc bột lưu huỳnh quanh nhà để xua đuổi rắn. Trong trường hợp bị rắn cắn, kể cả xác định là rắn lành, cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được xử lý và theo dõi.
Nạn nhân cần được theo dõi ít nhất trong vòng 12 giờ đầu sau khi bị cắn. Sau 24 – 48 giờ gặp nạn, việc điều trị sẽ trở nên rất khó khăn hoặc không có hiệu quả.
Người phụ nữ nhập viện, men gan cao gấp 53 lần ngưỡng cho phép
Tri Thức Trực Tuyến đưa tin, bà N.T.N (46 tuổi, trú tại Thanh Sơn, Uông Bí, Quảng Ninh) vào hôm 16/4 đã được đưa đến Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) trong tình trạng mệt mỏi, da vàng. Được biết, một ngày trước đó, bà N. bị đau bụng nhưng không đi khám. Nghe lời mách của người quen, bà đã mua và dùng một lượng nhỏ loại rượu ngâm lá cây để điều trị.
Sau khi tiến hành xét nghiệm, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân N. có dấu hiệu viêm gan cấp, men gan cao gấp 53 lần ngưỡng cho phép, kèm theo đó là rối loạn đông máu, đường máu tăng.
Chai rượu ngâm lá cây mà bà N. mua theo lời mách của người quen. Ảnh: BVCC/ Tri Thức Trực Tuyến |
Các bác sĩ sau đó đã tiến hành điều trị cho bệnh nhân N. bằng các phương pháp hỗ trợ tế bào gan, tăng thải độc gan… Sau 3 ngày điều trị nội khoa, các triệu chứng lâm sàng và chỉ số của bà N. hiện đã ổn định.
Chia sẻ về trường hợp của bà N., bác sĩ Bùi Thúy Hằng, khoa Nội Tiêu hóa cho biết không ít người hiện vẫn mang tâm lý chủ quan, ngại tới bệnh viện kiểm tra, thay vào đó, họ lại chọn dùng các loại thuốc nam, lá cây ngâm, rượu ngâm.
Phần lớn các trường hợp đều khiến bệnh tình diễn biến phức tạp hơn, thậm chí xuất hiện biến chứng khiến quá trình điều trị trở nên khó khăn. Vì vậy, bác sĩ Hằng khuyến cáo mọi người không nên tự ý mua và dùng những loại thuốc nam, đông y, rượu ngâm không rõ nguồn gốc và chưa được kiểm chứng veeg y học để tránh “rước họa vào thân”.
Cấp cứu thành công người đàn ông bị nhồi máu cơ tim
Theo Bảo Vệ Pháp Luật, ông T.T (SN 1972, trú tại tỉnh Quảng Ngãi) vào tối hôm 10/4 đã được Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi chuyển cấp cứu tới Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng suy hô hấp, trụy tim mạch. Được biết khoảng 3 – 5 ngày trước đó, ông T. có biểu hiện bị mệt và tức ngực.
Tại phòng cấp cứu của Bệnh viện Đà Nẵng, bệnh nhân T. được bác sĩ tiến hành cấp cứu hồi sức tim phổi. Sau khi tiến hành xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, biến chứng hở van 2 lá cấp, phù phổi cấp và trụy tim mạch.
Các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng vừa cấp cứu thành công bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim biến chứng hở van 2 lá cấp, phù phổi cấp và trụy tim mạch. Ảnh: BVCC/ Bảo Vệ Pháp Luật |
Sau 24 giờ được điều trị hồi sức nội khoa tích cực, tình trạng huyết động và hô hấp của ông T. vẫn diễn biến theo chiều hướng xấu dần. Các bác sĩ sau đó đã hội chẩn và chỉ định mổ cấp cứu.
Ngay sau mổ, chức năng tim được đánh giá ở trong giới hạn bình thường. Tuy nhiên, tình trạng phổi của bệnh nhân T. lại tiến triển nặng, đông đặc 2 bên, giảm oxy hoá máu nặng kèm liệt mạch, phải dùng các loại thuốc vận mạch liều tối đa. Bệnh nhân T. cũng không đáp ứng với các biện pháp điều trị nôi khoa thở máy, lọc máu hấp thụ, vận mạch… nên được chỉ định thực hiện VV -ECMO (ECMO phổi) và lọc máu liên tục.
3 ngày sau ca mổ, phổi của bệnh nhân đã bắt đầu phục hồi hoạt động, do vậy bệnh nhân được kết thúc ECMO và ngừng lọc máu. Tình hình sức khỏe của bệnh nhân hiện đang tiến triển theo chiều hướng tốt dần.
Đinh Kim (T/h)