Tin tức đời sống mới nhất ngày 20/12/2020. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 20/12/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Người cha hiến gan cứu con trai 13 tuổi bị suy gan cấp
Cậu bé 13 tuổi hồi phục sau ca ghép gan. (Ảnh: Người lao động) |
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa triển khai 5 ca ghép gan trong đó có 2 ca theo kế hoạch, 2 ca cấp cứu, 1 ca cấp cứu tối khẩn cấp. Trong số 5 ca này, có các ca ghép gan cho cả người lớn và trẻ em, nguồn hiến từ người cho sống và từ người hiến chết não.
Một trong các trường hợp đặc biệt trong số 5 ca ghép gan này là lần đầu tiên, trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia phối hợp 3 bệnh viện gồm: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh viên Trung ương Huế và bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức thành công điều phối lấy tạng từ bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu và chuyển đến 3 miền đất nước.
Trường hợp thứ 2 là ca ghép gan từ người cho sống. Bệnh nhân được nhận gan là bé trai 13 tuổi. Người hiến gan cứu bệnh nhi là bố đẻ. Cách đây 5 tháng, cậu bé đã trải qua cuộc phẫu thuật thông liên thất. Tuy nhiên, những tuần gần đây, sức khỏe của em yếu đi và được chẩn đoán mắc suy gan cấp, bệnh Wilson. Đây là một rối loạn di truyền hiếm gặp khiến đồng bị tích tụ trong gan, não và một số cơ quan quan trọng khác của cơ thể, gây ra rất nhiều rối loạn từ não, ý thức, da, vận động…
Bệnh nhi được điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương, có chỉ định ghép gan và được chuyển đến bệnh viện Trung ương Quân đội108 ở giai đoạn muộn, chức năng gan đã suy rất nặng. Ghép gan là cơ hội duy nhất để kéo dài sự sống cho cậu bé này.
Sau ghép, bệnh nhi và 4 bệnh nhân được ghép gan khác được chăm sóc theo chế độ đặc biệt 24/24 giờ. Sức khỏe của các bệnh nhân diễn biến ổn định và được theo dõi, đánh giá chặt chẽ.
Hai bé trai ở Hà Nội mắc bệnh viêm da hiếm gặp
Bàn tay của hai bệnh nhi sạm lại, nổi mẩn, mụn nước sau khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời. (Ảnh: BV) |
Bệnh viện Da liễu Trung ương, Hà Nội, vừa tiếp nhận 2 bệnh nhi 10 tuổi mắc viêm da do ánh nắng và thực vật. Đây là bệnh cực hiếm gặp tại Việt Nam.
Gia đình cho biết trước đó, 2 bé ra vườn hái chanh vào buổi trưa thì bất ngờ thấy những biểu hiện lạ. Cổ và tay của 2 bé nổi mụn nước, nốt đỏ kèm nóng rát khắp da. Vài ngày sau, những nốt này thâm đen, 2 bệnh nhi được đưa đến bệnh viện Da liễu Trung ương thăm khám.
Qua thăm khám, 2 bé được nhận định mắc bệnh viêm da do ánh nắng và thực vật (Phytophotodermatitis). Đây là dạng viêm da nhiễm độc ánh sáng. Bệnh xảy ra khi da tiếp xúc 2 yếu tố là hóa chất của thực vật (đóng vai trò như chất nhạy cảm ánh nắng) và ánh nắng mặt trời.
Bác sĩ khuyến cáo để phòng viêm da tiếp xúc do ánh nắng và thực vật, người dân nếu không có việc cần thiết không nên ra ngoài trời trong khoảng thời gian từ 10 đến 13h. Bởi đây là giai đoạn cường độ các tia cực tím mạnh nhất.
Ngoài ra, người dân cũng cần thường xuyên rửa tay, vùng da hở bằng xà phòng hay nước lạnh sau khi làm việc ngoài trời và tiếp xúc với các loại cây như cam, chanh, quýt, cần tây, mùi tây, sung, vả..., có chứa furocoumarins.
Nội soi lấy dị vật bã thức ăn cho bệnh nhi 14 tuổi
Các bác sĩ Khoa Thăm dò chức năng, bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn vừa nội soi can thiệp - cắt gắp bã thức ăn dạ dày cho cháu D.T.X. (SN 2006, là dân tộc H’Mông trú tại xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể) chẩn đoán viêm dạ dày cấp do khối bã thức ăn có kích thước lớn hơn 10cm.
Bệnh nhi xuất hiện cơn đau bụng vùng thượng vị khoảng 2 tháng sau một thời gian khá dài thường xuyên ăn quả hồng ngâm (hồng không hạt). Bệnh nhi D.T.X. cho biết bản thân thích ăn quả hồng ngâm nên vào mùa vụ gia đình rất hay mua về ăn. Khi cơn đau vùng thượng vị xuất hiện, bệnh nhi đã được gia đình cho uống thuốc Nam tại nhà, nhưng cơn đau vẫn không thuyên giảm.
Cháu X. được đưa đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn và được chỉ định nội soi dạ dày và bất ngờ phát hiện một khối bã thức ăn lớn hình dáng như quả bưởi nổi lềnh phềnh trong bề mặt dạ dày, kích thước khối bã thức ăn có đường kính hơn 10 cm.
Thông thường những dị vật bã thức ăn lớn trong dạ dày như vậy thì bệnh nhân phải phẫu thuật mổ phanh mới lấy dị vật ra được. Tuy nhiên các bác sĩ khoa Thăm dò chức năng, bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành lấy khối bã thức ăn qua nội soi mềm.
Đây là phương pháp phẫu thuật không xâm lấn, không gây tổn thương bề mặt dạ dày, bằng cách dùng kìm kẹp cắt khối bã lớn thành nhiều mảnh nhỏ, và gắp một phần theo ống nội soi qua đường miệng ra ngoài.
Do khối dị vật lớn nên phần còn lại được bơm rửa nước để nhuyễn khối dị vật bã thức ăn. Và sau đó cho bệnh nhân uống thuốc nhuận tràng. Bệnh nhân đã khỏe và được cho ra viện.
Việt Hương (T/h)