Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 13/5/2021: Người phụ nữ Úc bất ngờ thay đổi giọng nói khi cắt Amidan

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 13/5/2021. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 13/5/2021 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Người phụ nữ Úc bất ngờ nói giọng Ireland sau khi cắt Amidan

Mới đây, người phụ nữ tên An Gie Mcyen đã đăng tải một video lên TikTok để chia sẻ lại sự việc khó tin xảy đến với mình sau 2 ngày đi cắt viêm Amidan. Kèm theo đoạn video, Mcyen cho hay: “Tôi thức dậy với giọng Ireland và nghĩ rằng mình vẫn chưa tỉnh ngủ hẳn. Nhưng không, tôi không thể nói giọng Úc được nữa”.

Ở thời điểm 8 ngày sau phẫu thuật, McYen vẫn chưa thể nói giọng Úc như lúc trước. Bước sang ngày thứ 9, cô không còn nói giọng Ireland quá rõ như trước nữa nhưng bản thân Mcyen vẫn cảm thấy khó chịu.

Mcyen là người Úc nhưng phát hiện mình nói giọng Ireland sau khi cắt Amidan.

Sau khi tới gặp bác sĩ để thăm khám và được theo dõi trong vòng 2 tuần, Mcyen cuối cùng biết được cô mắc Hội chứng giọng nói nước ngoài. Đây là một tình trạng thường thấy do chấn thương não gây nên, sẽ khiến người mắc mất đi giọng tự nhiên vốn có. Được biết, từ năm 1907 tới nay, chỉ có 100 trường hợp mắc hội chứng này được ghi nhận.

Trong khi nhiều người tỏ ra khá bất ngờ trước sự việc xảy đến với McYen, một số dân mạng lại cho rằng cô chỉ đang bịa chuyện. Đáp lại những lời “buộc tội” này, Mcyen thẳng thắn bác bỏ: “Thật không may, câu chuyện của tôi không phải là giả. Tôi hy vọng sẽ có cách để tôi để giọng tôi trở về như cũ. Tôi chia sẻ vấn đề của mình để hy vọng mọi người có thể học được điều gì đó”.

Phẫu thuật cắt lá lách kích thước lớn dọa vỡ cho cụ bà 70 tuổi

Theo Báo Quảng Ninh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết các bác sĩ của bệnh viện vừa thực hiện ca phẫu thuật cắt bỏ lá lách “khổng lồ” dọa vỡ cho một bệnh nhân 70 tuổi. Bệnh nhân được xác định là bà N.T.H (trú tại huyện Cô Tô). Được biết, bà có tiền sử điều trị bệnh rối loạn sinh tủy nhiều năm.

Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân đi khám và phát hiện lách to từ 3 năm trước. Tới khoảng 1 tháng gần đây, bụng của cụ bà bị chướng to bất thường, kèm theo đó là tính trạng mệt mỏi, đau bụng ngày càng tăng. Do đó, cụ bà đã được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh để điều trị.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân 70 tuổi. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Qua kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân 70 tuổi bị lá lách to độ IV, nhồi máu lách trên, rối loạn sinh tuỷ. Bệnh nhân cần được phẫu thuật cấp cứu cắt lách nhằm tránh nguy cơ hoại tử và vỡ lách gây mất máu cấp dẫn đến tử vong cao.

Sau hơn 1 tiếng đồng hồ, ca phẫu thuật đã được thực hiện thành công. Các bác sĩ đã cắt bỏ hoàn toàn lá lách “khổng lồ” nặng hơn 4,7 kg, dài hơn 30cm cho bệnh nhân. 3 ngày sau ca phẫu thuật, tình hình sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tích cực, bệnh nhân hết bị đau bụng, ăn uống được, các chỉ số xét nghiệm ổn định.

Được biết lách to là do hậu quả của nhiều bệnh lý về máu. Đối với trường hợp của cụ bà H., lá lách phải làm việc quá mức để tiêu huỷ các tế bào máu nên dẫn đến phì đại. Khi lách quá to sẽ có nhiều nguy cơ, đặc biệt là dọa vỡ gây mất máu cấp.

Sưng nề, phỏng rộp 2 khớp gối vì đắp lá thuốc xào giấm

Pháp Luật TP.HCM dẫn thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận một bệnh nhân bị sưng nề, tấy đỏ, phỏng rộp vùng da xung quanh hai khớp gối. Bệnh nhân tên V.T.H (nữ, SN 1963, ngụ Lâm Đồng).

Theo chia sẻ của bệnh nhân, chị bị đau cứng 2 khớp gối, dùng thuốc nam để điều trị. Gần đây, nghe người trong xóm khuyên hái một loại lá đem xào với giấm, rồi giã ra và đắp vào 2 khớp gối, chị H. đã làm theo.

Bệnh nhân bị sưng nề, tấy đỏ, phỏng rộp vùng da xung quanh hai khớp gối. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM

Tuần đầu đắp lá, chị H. không thấy dấu hiệu bất thường xuất hiện. Tuy nhiên, tới tuần tiếp theo, 2 đầu gối của chị H. bắt đầu bị đau, ngứa, nổi mụn nước, tới bệnh viện địa phương điều trị 2 ngày nhưng không đỡ nên đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

Sau khi thăm khám và kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán chị H. bị phỏng rộp bội nhiễm,viêm nhiễm mô mềm xung quanh khớp gối trên nền thoái hóa khớp gối. Chị được điều trị kháng sinh, kháng viêm tại chỗ. Tổn thương mô mềm khớp gối hiện đã ổn định. Bệnh nhân đang được chẩn đoán chính xác bệnh để có hướng điều trị lâu dài.

Chia sẻ về thoái hóa khớp gối, PGS-TS-BS Nguyễn Đình Khoa, Trưởng Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay đây bệnh phổ biến ở người trung niên và phụ nữ, là bệnh mãn tính, hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm, phục hồi tổn thương sụn khớp. Dù vậy, việc áp dụng phương pháp điều trị phù hợp sẽ giúp kiểm soát và làm chậm tiến triển của bệnh.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật