Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 10/1: Nghiện rượu suốt 20 năm, người đàn ông có hơn 20 viên sỏi trong tụy

(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 10/1/2021. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 10/1/2021 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tin tức đời sống mới nhất ngày 10/1/2021. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 10/1/2021 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Bệnh nhân có hơn 20 viên sỏi trong tụy vì nghiện rượu

Hơn 20 viên sỏi được lấy ra trong tụy người đàn ông nghiện rượu. (Ảnh: BV)

Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) đã tiếp nhận bệnh nhân N.V.T. (35 tuổi, trú tại Đan Phượng, Hà Nội) trong tình trạng vùng thượng vị đau nhiều, lan ra sau lưng, cơ thể sụt cân nghiêm trọng.

Trước đó, bệnh nhân chia sẻ mình uống rượu từ khi còn là học sinh cấp 3, sau đó nghiện và tiêu thụ nhiều suốt 20 năm. Bệnh nhân này cũng từng đau bụng nhiều lần nhưng tự khỏi nên chủ quan không đi khám. Vừa qua, khi cảm giác đau nhiều hơn, bệnh nhân nghĩ mình bị dạ dày nên quyết định tới bệnh viện.

Qua xét nghiệm và kiểm tra hình ảnh, tiến sĩ Ôn Quang Phóng, khoa Ngoại Tiêu hóa, phát hiện tụy của bệnh nhân chứa rất nhiều viên sỏi với kích thước lớn.

Tại bệnh viện, TS Phóng đã trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân và lấy ra hơn 20 viên sỏi. Sau ca mổ, bệnh nhân hồi phục tốt và có thể ra viện sau 10 ngày.

Tuyến tụy là một phần của hệ tiêu hóa và hệ thống nội tiết, có kích thước khoảng 15cm. Cơ quan này có nhiệm vụ tách dinh dưỡng từ thức ăn, đồng thời thúc đẩy hormone kiểm soát đường huyết.

Trong những trường hợp bệnh nhân bị viêm tụy mạn tính do uống rượu lâu năm, canxi không được hấp thu hết sẽ tích tụ tại tuyến tụy, từ đó hình thành các mảng cứng (sỏi tụy).

Người đàn ông bị ngộ độc rượu ngâm củ ấu tàu

Củ ấu tàu chứa chất độc aconitin có thể gây nguy hiểm tính mạng.

Các bác sĩ khoa Cấp cứu, bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng vừa cứu thành công bệnh nhân Đ.V.H., 66 tuổi (ở Hà Quảng, Cao Bằng) do ngộ độc rượu ngâm củ ấu tàu.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vật vã, kích thích, tức ngực, khó thở, thở rít, tím tái, xuất tiết nhiều đờm dãi, mạch nhanh, tê lưỡi, rối loạn nhịp tim. Ngay sau đó, các bác sĩ đã đặt nội khí quản, thở máy, chống độc, chống loạn nhịp tim, vận mạch... cho người bệnh.

Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân ổn định, cai máy thở, các chỉ số sinh tồn trở về giới hạn bình thường.

Trong Đông y, chất độc aconitin trong củ ấu tàu được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A, nhưng cũng là vị thuốc quý sau khi được bào chế cẩn thận. Rượu ngâm củ ấu tàu thường được dùng để làm thuốc xoa bóp chữa các chứng đau nhức chân tay, tê mỏi, sai khớp, bầm da.

Khi uống rượu ngâm củ ấu tàu có độc tính, các triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện ngay. Người bệnh có cảm giác tê bì quanh miệng, môi, lưỡi, nôn, rối loạn hệ thần kinh, co giật, nặng hơn là gây rối loạn nhịp tim. Các triệu chứng này có thể gây trụy mạch, trụy huyết áp, dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Cháu bé sơ sinh nguy kịch, não thiếu oxy được cứu sống thần kỳ

Bệnh viện Sản nhi Nghệ An vừa cứu sống 2 trẻ sơ sinh vừa chào đời đã gặp tình trạng não thiếu oxy, thiếu máu cục bộ.

Trường hợp đầu tiên là bé N.V.T., cân nặng 2,8kg, ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Cháu vào viện trong tình trạng ly bì, suy hô hấp nặng, tím tái, trương lực cơ giảm, co giật toàn thân. Các bác sĩ khoa Hồi sức Sơ sinh đã tiến hành cấp cứu cho bệnh nhi. Sau khi làm các xét nghiệm lâm sàng ban đầu, trẻ được chẩn đoán bệnh não thiếu oxy, thiếu máu cục bộ, tiên lượng nặng và có khả năng tổn thương tế bào não nặng nề.

Nhận thấy bệnh nhi nguy kịch, ekíp bác sỹ hồi sức cấp cứu sơ sinh đã nhanh chóng hội chẩn, tiến hành thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt chủ động cho trẻ. Đồng thời, hỗ trợ hô hấp bằng thở máy cho trẻ, an thần, duy trì các thuốc vận mạch, kháng sinh, truyền dịch nuôi dưỡng hoàn toàn và theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn.

Sau thời gian điều trị tích cực, trẻ diễn tiến tốt, tỉnh táo, bú được, cử động bình thường. Trẻ được chụp MRI sọ não để kiểm tra tổn thương não kết quả khả quan. Sau hơn 2 tuần điều trị, trẻ đã ổn định, bú mẹ độc lập nên được xuất viện.

Trường hợp thứ hai là bé Đ.H.H. (2 giờ tuổi), trú tại huyện Diễn Châu từ bệnh viện huyện Diễn Châu chuyển đến. Trước đó, mẹ bé được các bác sỹ tuyến huyện phẫu thuật lấy thai cấp cứu do có biểu hiện suy thai cấp. Ngay sau khi chào đời, trẻ bị tím tái, không khóc và có dấu hiệu thần kinh co giật 2 chân liên tục được hồi sức tim phổi tại bệnh viện huyện và chuyển viện Sản nhi ngay sau đó.

Tại khoa Hồi sức sơ sinh trẻ đã được tiến hành phương pháp hạ thân nhiệt chủ động để bảo vệ não không bị tổn thương, sau thời gian điều trị tích cực đến nay sức khỏe trẻ đã tiến triển rất tốt. Trẻ đã được về với mẹ, tự thở, tự bú được và không cần ăn qua đường sonde.

Việt Hương (T/h)

Tin nổi bật