Tin tức đời sống mới nhất ngày 9/4/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 9/4/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Toilet có khả năng phát hiện ung thư
Hoạt động của toilet thông minh do đại học Stanford thiết kế. |
Các nhà nghiên cứu ở đại học Stanford, Mỹ đã chế tạo thiết bị này bằng cách kết hợp máy quay, que thử và trí tuệ nhân tạo để phân tích các chất thải rắn và lỏng khi con người thải ra.
Công nghệ phát hiện bệnh tật này có thể thay thế các xét nghiệm phân truyền thống và đặc biệt hữu ích với những người có nguy cơ cao (gia đình có tiền sử bị bệnh).
Thiết bị này được lắp đặt vào toilet và kết nối với một ứng dụng giúp phân tích và đưa ra kết quả.
Các nhà nghiên cứu hy vọng sản phẩm này sẽ là một phần không thể thiếu trong nhà vệ sinh của mỗi gia đình.
Dường như toilet thông minh đang là xu thế chăm sóc sức khỏe mới bởi sự kín đáo và hiệu quả của nó, trong đó có công nghệ phân tích sinh trắc học hậu môn.
“Sinh trắc học hậu môn nghe thật lạ tai nhưng khái niệm này chúng tôi đã đưa ra cách đây 15 năm. Khi công bố, nhiều người đã cười cợt bởi vì nó thú vị nhưng cũng thật kỳ quặc”, Sanjiv Gambhir, chuyên gia của đại học Stanford cho biết.
“Một điều thú vị của toilet thông minh là không như thiết bị đeo trên người, bạn không thể mang nó đi. Mọi người đều phải sử dụng toilet nên sẽ không thể quên hay “né” nó được nên sẽ giúp nâng cao khả năng phát hiện bệnh của thiết bị”.
GS Gambhir cho biết thiết bị này không thay thế cho các xét nghiệm chuyên sâu hay chẩn đoán của bác sĩ bởi trên thực tế, dữ liệu sẽ được gửi đến các chuyên gia sức khỏe để đưa ra các khuyến cáo cần thiết.
Thiết bị vệ sinh thông minh này đã được thử nghiệm trên 21 người trong vài tháng qua và hứa hẹn có thể kiểm soát được 10 loại bệnh lý khác nhau, từ tiểu đường, tim mạch đến một số loại ung thư.
Một trong những thách thức lớn nhất là được người dùng chấp nhận. Một cuộc khảo sát hơn 300 người dùng tiềm năng cho thấy 37% cảm thấy hơi thoải mái và 15% rất thoải mái khi dùng thiết bị này vì lý do sức khỏe.
Công nghệ này được giới thiệu trên tạp chí khoa học Nature Biomedical Engineering.
Bác sĩ mổ đẻ, cắt 2 khối u xơ tử cung
Khối u xơ có kích thước 15x16 cm của sản phụ - Ảnh: BVCC |
Ngày 8/4, các bác sĩ khoa Sản, bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), đã phẫu thuật lấy thai, bảo tồn tử cung, đồng thời cắt bỏ khối u xơ lớn cho sản phụ 35 tuổi, trú tại Chí Linh, Hải Dương.
BSCKII. Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng khoa Sản, người trực tiếp phẫu thuật, cho biết quá trình cuộc mổ diễn ra nhanh chóng với tiên lượng mọi diễn biến có thể xảy ra.
Phẫu thuật lấy thai trên nền khối u lớn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ như khi bóc u gây chảy máu, cắt bỏ tử cung, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ.
Sau khoảng một giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật lấy thai thành công, em bé chào đời với cân nặng 3,2 kg, cắt bỏ 2 khối u xơ tử cung.
Khối u mặt trước eo tử cung có kích thước 15x16 cm và khối u mặt sau là 2x2 cm. Tử cung của sản phụ cũng được bảo tồn.
Theo bác sĩ Hường, u xơ tử cung trong quá trình mang thai có thể là nguyên nhân gây sẩy thai, chết lưu. Bên cạnh đó, khối u có thể phát triển với kích thước lớn gây chèn ép tử cung, dẫn đến ngôi thai bất thường, rau tiền đạo... khiến thai phụ dễ bị sinh non. Chúng còn khiến cho sản phụ khi sinh con dễ gặp cơn đau chuyển dạ kéo dài, khó sinh, băng huyết.
Đồng thời, em bé sinh ra khi mẹ bị u xơ tử cung trong thai kỳ thường gặp khó khăn khi lấy thai, trẻ có thể bị nhẹ cân hoặc suy dinh dưỡng.
Bác sĩ khuyến cáo các sản phụ, u xơ tử cung thường lành tính nhưng cần được thăm khám, điều trị trước khi có thai nhằm giảm các nguy cơ biến chứng. Nếu phát hiện mắc u xơ tử cung trong thời kỳ mang thai, sản phụ cần theo dõi và khám thai định kỳ để được các bác sĩ tư vấn tốt nhất.
Người đàn ông hoại tử não, mù 2 mắt vì uống cồn sát khuẩn
Bệnh nhân đã tỉnh táo nhưng mất hoàn toàn thị lực ở cả hai mắt, các di chứng về thần kinh, vận động sẽ cần thêm thời gian để đánh giá. |
Ths.BS Hà Thị Bích Vân, Trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, khoa mới tiếp nhận một trường hợp bị ngộ độc methanol rất nặng.
Bệnh nhân Nguyễn Chí K., 56 tuổi, sống ở thị xã Phú Thọ. Bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu nhiều năm, do bị ngăn cấm nên đã mua cồn sát khuẩn 90 độ về pha uống.
Ông K. uống gần cạn chai cồn, sáng hôm sau có biểu hiện lơ mơ, nôn nhiều, được gia đình đưa đi cấp cứu ở bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ lúc 7h30 ngày 29/3.
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng lơ mơ, glasgow 13 điểm (cao nhất là 15 điểm), nôn nhiều, mắt không nhìn thấy gì, khó thở, toan chuyển hóa.
Dù không đủ trang thiết bị để đo nồng độ methanol trong cơ thể song dựa theo triệu chứng và lời bệnh nhân, BS Vân đã cấp cứu cho bệnh nhân theo hướng ngộ độc methanol.
Ông K. được truyền kiềm bằng cách cho dùng ethanol 20% đường uống, lọc máu cấp cứu.
Sau đó, bệnh nhân đã tỉnh trở lại, huyết động ổn định nhưng não bị tổn thương nghiêm trọng. Hình ảnh chụp MRI cho thấy, sọ não bị hoại tử nhân bèo hai bên, mất thị lực 2 mắt.
Gần 1 tuần sau, bệnh nhân được xuất viện nhưng thị lực 2 mắt đã mất vĩnh viễn. BS Vân cho biết, các tổn thương ở não ảnh hưởng đến vận động, trí nhớ sẽ cần thêm thời gian để đánh giá.
Bị anh trai 8 tuổi nghịch súng hơi bắn phải, bé 11 tháng tuổi hư mắt trái
Một bé trai phải nhập viện do tai nạn súng hơi - Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Sáng 8/4, BS. Lê Hà Việt Linh, khoa Mắt nhi bệnh viện Mắt TP.HCM, cho biết đơn vị vừa tiếp nhận trường hợp bé K. (11 tháng tuổi, Tiền Giang), nhập viện trong tình trạng vỡ nhãn cầu mắt trái hoàn toàn, dị vật kim loại trong não.
Theo người nhà cho biết bé K. là con thứ hai trong gia đình. Cách đây năm ngày, cha mẹ đi làm nên gửi hai con cho ông bà. Trong lúc chơi đùa, anh bé K. (8 tuổi) lấy súng hơi dùng bắn chim của người cậu treo trên tường nghịch phá và vô tình bắn trúng mắt trái bé K.
Gia đình vội đưa bé K. đến một bệnh viện đa khoa ở TP.HCM điều trị. Tại đây, các bác sĩ chụp CT scan và ghi nhận viên đạn nằm trong não thái dương chấm trái của bé nhưng không gây nguy hiểm. Chấn thương còn gây xuất huyết não thái dương trái, vỡ nhãn cầu trái.
Các bác sĩ quyết định không lấy viên đạn ra ngoài mà theo dõi và điều trị ổn định cho bé K., sau đó chuyển bé qua bệnh viện Mắt TP.HCM. Các bác sĩ cố gắng bảo tồn giữ nhãn cầu trái cho bé K. nhưng chức năng thị giác không thể hồi phục. Bé K. vĩnh viễn không thể nhìn bằng mắt trái.
Theo TS-BS Nguyễn Chí Trung Thế Truyền, khoa Mắt nhi bệnh viện Mắt TP.HCM, đây không phải lần đầu bệnh viện tiếp nhận trường hợp vỡ nhãn cầu do đạn súng hơi.
“Ngoài các trường hợp rơi vào người lớn, trẻ nhỏ cũng bị vỡ nhãn cầu do đạn súng hơi. Đáng tiếc trường hợp này là một bé mới 11 tháng tuổi”, TS-BS Truyền cho biết.
Quỳnh Chi (T/h)