Thanh niên bỏng nặng vì bình ga mini phát nổ khi ăn lẩu
Tiền Phong mới đây đưa tin về trường hợp của bệnh nhân P.N.T (SN 2004, trú tại Hà Lộc, Phú Thọ). Người nhà bệnh nhân cho biết gia đình sử dụng bếp ga mini để nấu lẩu. Khi hết ga, bệnh nhân thay bình ga mini khác vào bếp thì bình ga bất ngờ phát nổ.
Sau tai nạn, bệnh nhân bị đau rát và bỏng ở nhiều vị trí trên khuôn mặt. Người nhà ngay lập tức đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu. Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân ở trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc tốt.
Tổn thương tại chỗ gồm vết thương dập nát phần mềm gan bàn tay phải nhiều mảnh dị vật kim khí, tổn thương gân gấp các ngón bàn tay phải, tổn thương bỏng nhiều vị trí vùng mặt cổ, cẳng bàn tay hai bên, cổ bàn chân hai bên. Diện tích bỏng khoảng 15% độ 2,3 nông, sâu.
Tình hình bệnh nhân ổn định sau ca phẫu thuật. Ảnh: Tiền Phong
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu xử lý vết thương bàn tay, lấy dị vật và khâu phục hồi tổn thương bàn ngón tay phải, thay băng điều trị tổn thương bỏng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định nhưng bàn tay còn sưng nề nhiều, hạn chế vận động các ngón bàn tay phải, tổn thương bỏng dịch thấm băng.
Cấp cứu sản phụ bị rau cài răng lược mắc COVID-19
Theo Nhân Dân, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mổ cấp cứu thành công cho một sản phụ mắc COVID-19 bị rau cài răng lược.
Bệnh nhân là chị T.T.K.D (35 tuổi, ở Hải Dương), tiền sử mổ đẻ, được chẩn đoán rau cài răng lược tại sẹo mổ đẻ cũ từ rất sớm khi thai khoảng 20 tuần. Bánh rau càng ngày càng ăn sâu phá hủy lớp cơ tử cung và xâm lấn bàng quang.
Sản phụ phát hiện mắc COVID-19 ở tuần thai thứ 32, chuyển đến điều trị tại cơ sở 2-38 Cảm Hội vào ngày 23/1. Sản phụ được theo dõi sát sao, điều trị chống đông, kháng virus với hy vọng sớm khỏi COVID-19.
Đêm ngày 1/2, sản phụ có hiện tượng vỡ ối, suy thai ở tuần thứ 34. ThS.BS CKII Trương Minh Phương-Trưởng kíp điều trị thai phụ mắc COVID-19 ở cơ sở 2 nhanh chóng hội chẩn với ban giám đốc bệnh viện và nhận lệnh phẫu thuật ngay do tính cấp cứu của ca bệnh.
Ca phẫu thuật kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ, bé trai nặng 2.150g chào đời lúc 1h55 ngày 2/2. Hiện, sức khỏe của sản phụ và em bé đều ổn định.
Bé 4 tháng tuổi bị thoát vị hoành nguy hiểm
Theo Infornet, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM vừa cấp cứu bệnh nhi 4 tháng tuổi ở Sóc Trăng bị thoát vị hoành nguy hiểm. Bệnh nhi là con của chị N.T.N, được đưa đến bệnh viện cấp cứu vào ngày sát Tết.
Bệnh nhi bú ngon, ngủ ngoan, đang đợi ngày ra viện. Ảnh: Infornet
Chị N. cho biết sáng 27 Tết, bệnh nhi bị ngã võng từ độ cao gần 1m, đầu đập xuống gạch nền nhà. Sau khi bị ngã, bệnh nhi quấy khóc, bú khó, nôn trớ liên tục, nhập viện địa phương chụp chiếu ghi nhận chấn thương phần mềm phần đầu thái dương bên phải nhưng nguy hiểm hơn là ghi nhận thoát vị hoành qua X-quang phổi.
Bệnh nhi lập tức được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố ngay trong đêm. Kết quả xét nghiệm, siêu âm ổ bụng và chụp X-quang cho thấy hình ảnh dạ dày, quai ruột chiếm toàn bộ phổi trái, chèn ép đẩy lệch tim sang bên phải. Chẩn đoán bị thoát vị hoành nếu không được mổ kịp thời để sắp xếp lại vị trí các tạng trong ổ bụng và lồng ngực, bệnh nhi có thể tử vong bất kỳ lúc nào.
Sau khi hội chẩn và điều trị tích cực, bệnh nhi được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật mổ nội soi cấp cứu. Sau hơn 1 tiếng trong phòng mổ, các bác sĩ đã đưa các tạng thoát vị từ ngực về ổ bụng cho bệnh nhi và khâu phục hồi cơ hoành khiếm khuyết. Bệnh nhi hiện đã hồi phục, sau hồi sức ngoại khoa tích cực, cả phần đầu và phần thoát vị bụng - ngực đều ổn định.
Đinh Kim (T/h)