Người đàn ông tử vong sau khi ăn mối
Bệnh viện Bạch mai cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận bệnh nhân N.T.T (60 tuổi, ở Hà Nội) bị nhiễm nấm Aspergillus fumigatus sau khi ăn mối - một món ăn được coi là “đặc sản” địa phương, theo báo Pháp Luật TP.HCM.
Gia đình người bệnh kể, bệnh nhân về quê Ninh Bình, trên đường có qua Hòa Bình mua mối sống về làm món mối rang, ăn không hết thì để lượng mối thừa còn sống vào tủ lạnh, bên cạnh các thức ăn nhanh như giò, chả.
5 ngày sau, bệnh nhân bị đau bụng, đi ngoài, tụt huyết áp, được xử trí theo hướng sốc nhiễm khuẩn tại bệnh viện tỉnh nhưng tình trạng không cải thiện. Bệnh nhân sốc nặng lên, suy hô hấp, phải duy trì vận mạch liều rất cao, thở máy nhưng phổi co thắt nhiều, máy thở không thể đẩy khí vào phổi để thông khí được.
Hình ảnh nấm Aspegillus fumigatus ký sinh trên mối. Ảnh minh họa: VietNamNet
Ngày 30/5, người bệnh được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng suy hô hấp rất nặng, phổi không đảm bảo được chức năng thông khí ngay cả khi hỗ trợ máy thở tối đa. Bệnh nhân đã được hỗ trợ ECMO, tiếp tục các biện pháp hồi sức tích cực như kháng sinh, kháng nấm, lọc máu, vận mạch…
Kết quả nội soi phế quản cho thấy xuất hiện nhiều mảng giả mạc thùy dưới phổi 2 bên. Với kinh nghiệm điều trị cho nhiều ca phức tạp, các bác sĩ đã nghĩ ngay đến nấm. Ngày 1/6, nội soi phế quản thấy giả mạc phát triển trên toàn bộ niêm mạc đường thở tạo nên các đám sùi và các giả mạc đan xen nhau như mạng nhện lấp kín hết lòng khí phế quản.
Sang ngày 2/6, nội soi thấy các giả mạc bám thành đường thở bong dần ra. Toàn bộ các mẫu bệnh phẩm đường thở đều có kết quả nhuộm soi ra nấm sợi, kết quả cấy ra Aspergillus fumigatus, hình ảnh giải phẫu bệnh giả mạc ra Aspergillus fumigatus tập trung nhiều thành đám.
Ngày 4/6, tình trạng bệnh nhân vẫn không cải thiện dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa. Người bệnh tử vong sau 6 ngày điều trị tích cực.
Bé trai 3 tuổi phải cắt bỏ tinh hoàn
VietNamNet dẫn lời bác sĩ Hồ Trung Cường, khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết đơn vị này vừa phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn cho một bé trai 3 tuổi. Bệnh nhi được đưa đến viện vào khuya ngày 31/5 do có khối phồng vùng bẹn gây đau.
Người mẹ cho biết bệnh nhi đau bụng trước đó vài ngày nhưng không nhiều. Tới khi bệnh nhi than đau quá, mẹ kéo quần kiểm tra thấy khối phồng ở vùng bẹn nên đưa con đi bệnh viện ngay trong đêm.
Sau khi kiểm tra, bác sĩ nhận thấy bệnh nhi thiếu tinh hoàn một bên bìu nên nghĩ có thể bị xoắn tinh hoàn ẩn. Kết quả siêu âm ghi nhận chẩn đoán trên và không thấy tưới máu tinh hoàn.
Bệnh nhi nhanh chóng được phẫu thuật cấp cứu. Các bác sĩ tiến hành tháo xoắn và chờ đợi nhưng tinh hoàn vẫn không thể hồi phục. Sau đó, ekip y bác sĩ buộc phải cắt bỏ bên tinh hoàn đã hoại tử, đồng thời cố định bên còn lại để không bị xoắn trong tương lai.
Chia sẻ về trường hợp của bệnh nhi này, bác sĩ Cường nói: “Điều đáng tiếc là gia đình đã biết bé bị tinh hoàn ẩn từ trước, nhưng thương con nhỏ quá nên ngại mổ. Từ đó dẫn đến hậu quả thật đáng buồn”.
Cứu sống bệnh nhân bị đâm xuyên ngực, thấu tim
Theo Người Đưa Tin Pháp Luât, vào 19h ngày 3/6, Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh tiếp nhận bệnh nhân N.N.D. (47 tuổi, trú tỉnh Khánh Hòa) bị thương nặng. Ngay sau đó, trung tâm đã phát lệnh báo động đỏ liên viện đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, chuyển viện cho bệnh nhân.
Thời điểm này, bệnh nhân bị vết thương xuyên ngực và thấu tim, đang trong tình trạng choáng nặng, vã mồ hôi, mạch nhanh nhẹ 130 lần/ phút, huyết áp 60/40 mmHg, kích thích vật vã, tiên lượng tử vong.
Bệnh nhân hiện đang được các bác sĩ tiếp tục theo dõi, chờ rút dẫn lưu và xuất viện. Ảnh: Người Đưa Tin Pháp Luật
Bệnh nhân được tiếp nhận vào khoa Cấp cứu 115 – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa lúc 20h08 cùng ngày trong tình trạng lơ mơ, huyết áp 80/60 mmHg. Sau hội chẩn cấp cứu, bệnh nhân được chuyển đi phẫu thuật cấp cứu.
Tới 20h40, các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực tiến hành mở ngực bệnh nhân, khâu cầm máu vết thương tim ở mặt trước dưới thất phải khoảng 1,5cm và khâu nhánh bên động mạch ngực trái. Đến Đến 23h30, bệnh nhân được chuyển về Hồi sức ngoại thuộc Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức để hồi sức và tiếp tục theo dõi hậu phẫu giai đoạn sớm.
Sáng ngày 6/6, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, dấu hiệu sinh tồn ổn định, các ống dẫn lưu màng tim và trung thất hoạt động tốt, vết mổ ngực dọc theo xương ức khô, không rỉ máu. Người bệnh hiện vẫn đang tiếp tục được theo dõi, chờ rút dẫn lưu và xuất viện.
Đinh Kim (T/h)