Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 5/9/2019: Bị chó dại cắn, bé trai 12 tuổi tử vong trước thềm năm học mới

(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 5/9/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 5/9/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tin tức đời sống mới nhất ngày 5/9/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 5/9/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Bị chó dại cắn, bé trai 12 tuổi tử vong trước thềm năm học mới

Bé 12 tuổi tử vong do bị chó dại cắn - Ảnh: Minh họa

Ngày 4/9, ông Lương Đại Thắng - Chủ tịch UBND xã Yến Na, huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết, trên địa bàn vừa có một học sinh 12 tuổi tử vong, nguyên nhân do bị chó dại cắn nhưng không tiêm phòng.

Theo ông Thắng, cách đây 2 tháng, cháu Lương Thái S. (SN 2007, trú tại bản Xiềng Nứa, xã Yên Na) đi chơi bị chó cắn. Nghĩ chó cắn là chuyện bình thường, cháu S. không nói với bố mẹ.

Cách đây mấy ngày, cháu S. sốt cao, gia đình đưa cháu xuống bệnh viện Tương Dương thăm khám. Qua kiểm tra, các bác sĩ cho biết cháu mắc bệnh dại và đề nghị gia đình chuyển cháu lên tuyến trên để chữa trị. Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng nên cháu bé đã tử vong vào ngày 3/9.

Ông Lương Đại Thắng cũng cho biết, năm học mới này, cháu S. vào học lớp 6, Trường THCS Yên Na. Ngay khi biết tin, Phòng Giáo dục huyện Tương Dương, nhà trường và chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên gia đình.

Theo thống kê, đàn chó ở Nghệ An khoảng 512.000 con. Năm 2018 tỉnh có hơn 9.600 trường hợp bị chó cắn; 8 người không tiêm phòng dại đã tử vong.

Hiện, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc tiêm vắc xin dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm là bắt buộc nếu bị chó, mèo hay các động vật khác bị dại hoặc nghi ngờ bị dại cắn.

Gà trống tấn công khiến một lão bà tử vong

Chuồng gà nơi xảy ra vụ việc.

Vụ việc được công bố trên tạp chí quốc tế về Khoa học Pháp y, Y học và Bệnh lý học, là một phần của nghiên cứu về cách xác định vết thương từ động vật nhỏ trong quá trình khám nghiệm tử thi.

"Trường hợp này chứng minh rằng ngay cả loài động vật nhỏ nuôi trong nhà cũng có thể gây tử vong cho người mắc chứng giãn tĩnh mạch", tạp chí cho biết.

Cụ thể, con gà trống hung dữ này đã mổ vào chân của bà lão sau đó bỏ chạy. Vốn mắc chứng giãn tĩnh mạch nên sau khi bị gà trống mổ, bà lão bị thương ở chân khiến máu chảy không ngừng. Khi vụ việc được phát hiện thì bà lão đã chết thảm tại chỗ.

Báo cáo khám nghiệm tử thi xác nhận, bà lão quả thực chết vì bị gà mổ. Trong báo cáo cũng ghi rõ ràng: "Nếu trên cơ thể có mạch máu mỏng manh, cho dù bị những động vật nhỏ như chim mổ, cũng có thể tạo thành vết thương trí mạng".

Theo vị giáo sư ở Đại học Adelaide Roger Byard, tai nạn này cho thấy, người già bị chứng giãn tĩnh mạch rất dễ bị thương. Hầu hết họ đều không thể chống lại được những vụ tấn công do động vật gây nên.

Đồng thời, họ cũng không giữ cân bằng tốt, ít kinh nghiệm đối phó với những chấn thương kiểu này. Nếu lúc đó bà lão biết dùng tay để bịt lại vết thương, đồng thời đi tìm sự trợ giúp, có thể bà đã sống sót.

Giáo sư Roger Byard cũng chỉ ra rằng, những người bị giãn tĩnh mạch dễ dàng bị thương, cũng sẽ mất máu rất nhanh. Bị mèo cào cũng có thể mất nhiều máu, bị đồ đạc làm xước chân tay cũng có thể mất nhiều máu. Do đó, những người cao tuổi nên phẫu thuật để chữa giãn tĩnh mạch, phòng ngừa rủi ro xảy ra.

Nam thanh niên tưởng viêm họng, bác sĩ gắp ra ‘thủ phạm’ bằng ngón tay

Con đỉa được gắp ra khỏi thanh quản bệnh nhân - Ảnh: Vietnamnet

BS Nguyễn Minh Thanh, khoa Tai mũi họng, BV đa khoa tỉnh Bắc Giang vừa nội soi găp thành công con đỉa trâu to bằng tay sống trong thanh quản bệnh nhân.

Bệnh nhân là Nông Văn B., 29 tuổi ở huyện Phong Vân, Lục Ngạn, Bắc Giang. Cách đây 10 ngày, anh B. có uống nước suối trong lúc đi rừng.

3 ngày sau, bệnh nhân thấy vướng ở cổ họng, ho lẫn máu kèm khàn tiếng, có lúc mất hẳn giọng. Nghĩ viêm họng thông thường, anh B. đã tự đi mua thuốc về uống nhưng qua 6 ngày vẫn không đỡ.

Đến sáng 4/9, bệnh nhân đến BV đa khoa tỉnh Bắc Giang thăm khám, phát hiện trong thanh quản có dị vật đang ngọ nguậy. Bác sĩ đã yêu cầu bệnh nhân nhập viện nội soi thanh quản ống cứng gây tê, “thủ phạm” được gắp ra là con đỉa trâu to bằng ngón tay.

Sau khi gắp đỉa khỏi thanh quản, bệnh nhân đã ổn định và được ra viện ngay trong ngày.

Theo BS Thanh, hầu hết các trường hợp bệnh nhân bị đỉa, vắt ký sinh trong cơ thể thường sống ở miền núi, hay sử dụng nước suối, nước sông.

Đỉa thuộc ngành giun đốt, có mút ở 2 đầu và có miệng để hút máu. Thông thường đỉa vào cơ thể theo đường mũi, miệng, khi vào kích thước nhỏ nhưng sau khi hút máu vật chủ thì lớn rất nhanh.

Khi vào cơ thể, đỉa thường bám vào thanh quản, hầu, mũi, họng, thực quản hoặc ở niệu đạo, bàng quang, bộ phận sinh dục của con người… Tại các cơ quan này, đỉa sẽ hút máu và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như tắc nghẽn dẫn đến xuất huyết, ho khạc ra máu. Bệnh nhân có cảm giác đau ngực, khó thở, ho liên tục, đờm có chất nhầy, máu nếu đỉa vào thanh quản.

Đỉa ký sinh ở hầu, khí quản sẽ gây ngạt thở, có thể dẫn đến tử vong. Khi chúng chui vào âm hộ gây chảy máu kéo dài, vào đường sinh dục của nam giới gây chảy máu đường tiết niệu.

Căn bệnh khiến lá lách cô gái nặng hơn 5kg, dài nửa mét

Bệnh nhân đã được xuất viện với tình trạng ổn định - Ảnh: Pháp luật TP. HCM

Ngày 4/9, ThS-BS Nguyễn Xuân Hoà, khoa Ngoại gan mật tụy bệnh viện (BV) Thống Nhất (TP.HCM) cho biết vừa cắt bỏ toàn bộ lá lách cho bệnh nhân Lê Thị L. (29 tuổi, ngụ Tiền Giang) do căn bệnh đa nang lách.

Trước đó, bệnh nhân L. nhập viện trong tình trạng bụng trướng to, sờ cứng. Kết quả thăm khám cho thấy bệnh nhân có khối u ở lách kích thước rất lớn, kéo dài từ phần dưới rốn đến xuống dưới cuối ổ bụng, cần can thiệp phẫu thuật cắt toàn bộ lách để tránh chèn ép các cơ quan khác và gây biến chứng.

Ca mổ kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ đã cắt bỏ thành công khối u lá lách dài 0,5m, rộng 30cm, nặng hơn 5kg. Trong quá trình phẫu thuật, ekip mổ gặp một số khó khăn do kích thước khối u lớn, đè lên mạch máu, chèn ép gan, thận khiến phần gan nằm phía bên trái nằm hoàn toàn qua bụng bên phải, đặc biệt mạch máu của bệnh nhân hơi khác thường.

Do khối u lớn nên bệnh nhân phải chịu vết mổ dài 40cm. Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã ổn định, hồi phục tốt và được xuất viện.

Theo BS Hòa, BV từng tiếp nhận nhiều ca đa nang lách nhưng khối u khổng lồ như bệnh nhân L. là rất hiếm gặp. “Lách là cơ quan góp phần tạo máu và đóng vai trò trong hệ miễn dịch, khi bị cắt bỏ toàn bộ lá lách, bệnh nhân vẫn sống được nhưng dễ suy yếu hệ miễn dịch và có thể thiếu máu. Do đó, bệnh nhân cần theo dõi tình trạng thiếu máu và chích ngừa đầy đủ để phòng ngừa bệnh”, BS Hòa cho biết.

Cũng theo BS Hòa, bệnh đa nang lách được ghi nhận là bệnh lý lành tính, có thể do bẩm sinh mắc phải, chấn thương hoặc nhiễm ký sinh trùng như giun, sán. Khối u có thể lớn dần theo thời gian, nếu phát hiện trễ có thể gây ra những bệnh lý về máu, nhiễm trùng trong nang, có thể tiến triển thành ung thư.

Đa nang lách nhỏ không có triệu chứng nên người bệnh ít chú ý tới, thường được phát hiện khi thăm khám sức khỏe. Người bệnh đa nang lách cần được theo dõi khối u theo thời gian và cân nhắc phẫu thuật để tránh các biến chứng.

Được xuất viện về nhà, bệnh nhân L. chia sẻ phát hiện bệnh đa nang lách khi mổ sinh con cách đây 4 năm. Chị được BS cho biết khối u lành tính và chỉ cần theo dõi. “Vài tháng gần đây tôi thấy bụng ngày càng to, sờ thấy cứng phía bên trái, thiếu máu và lâu lâu đau ở vùng hạ sườn nên vào BV kiểm tra và được chỉ định phẫu thuật”, chị L. kể.

Quỳnh Chi (T/h)

Tin nổi bật