Tin tức đời sống mới nhất ngày 30/1/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 30/1/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Rùng mình phát hiện sán sống trong não cả thập kỷ
Chị gái anh ta cũng từng được mổ não để lấy sán ra cách đây mấy năm. |
Các bác sĩ ở bang Texas (Mỹ) cho biết bệnh nhân đi khám sau khi ngất xỉu lúc đang xem một trận bóng đá vào cuối năm ngoái và kể từ đó chứng đau đầu dữ dội thường xuyên xuất hiện.
Kết quả chụp MRI cho thấy có một con sán đã sống trong não của bệnh nhân cả thập kỷ qua.
Ca phẫu thuật lấy con sán ra khỏi não đã thành công. Bệnh nhân đang phục hồi và cho biết tình trạng đau đầu đã biến mất.
Điều tra dịch tễ cho thấy bệnh nhân từng ăn thịt lợn sống khi ở Mexico cách đây hơn 10 năm. Do đó, các bác sĩ cho rằng đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị nhiễm sán.
“Khi vô tình nuốt phải một nang sán, nó có thể khu trú trong cơ thể bạn rất nhiều năm trước khi có biểu hiện”, BS Jordan Amadio cho biết.
Hiện không rõ 2 chị em bệnh nhân này có nhiễm sán cùng lúc hay không.
Theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cơ thể người thường nhiễm sán khi ăn thịt lợn hay thịt bò chưa được nấu chín. Các triệu chứng thường rất mơ hồ và đôi khi không có biểu hiện. Tuy nhiên, thông thường nó sẽ gây ra các vấn đề tiêu hóa, không có cảm giác thèm ăn, đau bụng hay giảm cân. Ngoài ra, có thể tìm thấy các đốt sán trong phân.
Khoảng 1.000 trường hợp nhiễm sán được ghi nhận tại Mỹ mối năm nhưng CDC thừa nhận là họ rất khó khăn trong việc xác định chính xác số ca bệnh.
Hơn 2.000 người cấp cứu tại TP.HCM vì tai nạn giao thông
Khoa Cấp cứu, bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, nơi tiếp nhận nhiều bệnh nhân cấp cứu do tai nạn giao thông - Ảnh: Zing.vn |
Sở Y tế TP.HCM cho biết trong 5 ngày nghỉ Tết Canh Tý, các bệnh viện tại TP.HCM tiếp nhận 2.128 người cấp cứu vì tai nạn giao thông.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc sở Y tế TP.HCM, vừa báo cáo kết quả công tác y tế tổng hợp của 5 ngày Tết từ các đơn vị trực thuộc sở Y tế.
Theo đó, các bệnh viện ở TP.HCM tiếp nhận tổng số các trường hợp khám cấp cứu, tai nạn là 21.760. Trong đó, đứng đầu vẫn là tai nạn giao thông với 2.128 trường hợp, giảm 272 trường hợp so với kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi.
Tiếp theo là tai nạn sinh hoạt với 1.997 người, tai nạn do pháo nổ: 33, ngộ độc: 67, số còn lại do các nguyên nhân khác.
Sở Y tế TP.HCM cho biết toàn thành phố ghi nhận 45 trường hợp tử vong. Trong đó, 4 trường hợp do tai nạn giao thông.
Giám đốc sở Y tế TP.HCM cũng cho biết cơ quan này đã kiểm tra công tác kiểm dịch y tế tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Trước đó, sở Y tế TP.HCM cùng đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác chuẩn bị cho thu dung, điều trị viêm hô hấp cấp do chủng virus corona mới (nCoV) tại bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM, bệnh viện Nhi đồng 2 và bệnh viện Nhân dân 115.
Ngoài ra, ông Bỉnh thông tin thêm ngày 27/1, bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận 2 bệnh nhận nghi nhiễm virus corona. Sau khi cách ly điều trị, khai thác bệnh sử, tiền sử của 2 bệnh nhân này, bác sĩ không thấy có yếu tố dịch tễ đi vào vùng dịch bệnh. Kết quả xét nghiệm PCR âm tính, 2 bệnh nhân này đã được xuất viện.
Nam thanh niên không dám xuất tinh vì dị ứng với tinh trùng của chính mình
POIS là hội chứng hiếm gặp ở nam giới sau khi xuất tinh. |
Nam thanh niên 25 tuổi giấu tên, sống tại Massachusetts, Mỹ mắc hội chứng bệnh sau cực khoái (POIS) từ năm 16 tuổi. Từ đó đến nay, nam thanh niên không dám thủ dâm và luôn cố gắng tránh xuất tinh khi quan hệ với bạn gái.
Nam thanh niên chia sẻ, sau mỗi lần xuất tinh sẽ rơi vào trạng thái lo lắng, mệt mỏi cực độ, suy nhược cơ, rối loạn tâm thần, người đờ đẫn. Các triệu chứng có thể xuất hiện ngay khi vừa xuất tinh, sau 2-3 ngày, thậm chí kéo dài đến 2 tuần khiến anh không thể đến trường hay làm bất cứ việc gì. Do đó, mỗi 3-4 tháng, nam thanh niên mới dám lên đỉnh một lần.
Sau đó chàng trai trẻ đã đến bác sĩ thăm khám, ban đầu bác sĩ kê cho anh uống thuốc chống trầm cảm và lo âu đồng thời áp dụng nhiều chế độ ăn kiêng khác nhau cũng như bổ sung các thuốc kháng histamine nhưng không hiệu quả.
Cuối cùng, nam thanh niên được chuyển đến khoa Sức khoẻ nam khoa, bác sĩ phát hiện lượng testosterone trong cơ thể anh rất thấp. Sau mỗi lần xuất tinh, cơ thể bổ sung hormone giới tính rất chậm chạp, là nguyên nhân gây ra các triệu chứng yếu cơ, mệt mỏi, lo lắng, rối loạn tâm thần...
Sau khi thăm khám kĩ, bác sĩ xác định nam thanh niên mắc hội chứng POIS. Những nam giới mắc hội chứng này sẽ dị ứng với tinh trùng của chính mình do tiếp xúc trực tiếp hoặc do lượng lớn hormone được giải phóng trong lúc cao trào.
Các triệu chứng thường giống như cảm cúm và dị ứng như sổ mũi, chảy nước mắt, đau họng, đau đầu, kiệt sức, sốt, suy giảm nhận thức...
Hội chứng POIS được báo cáo lần đầu năm 2002 và đến nay thế giới đã ghi nhận khoảng 50 ca.
Rất ít bác sĩ biết đến hội chứng này nên nhiều khi bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm. Đến nay cũng chưa có phương pháp chữa trị nào triệt để, song các biện pháp hỗ trợ được khuyến cáo gồm dùng thuốc kháng histamine, thuốc benzodazepin, chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc và chất kích thích.
Riêng trường hợp nam thanh niên 25 tuổi nói trên là ca đầu tiên được điều trị bằng phương pháp tiêm hormone HCG 3 lần/tuần để kích thích tinh hoàn tăng sản xuất testosteone.
Sau 6 tuần, vấn đề của nam thanh niên đã được cải thiện và sau 6 tháng, các triệu chứng gần như chỉ còn rất nhẹ và sẽ hết toàn toàn trong vòng 12 tiếng sau khi lên đỉnh.
2 em bé tử vong do đuối nước tại hồ bơi
Hồ bơi nơi 2 bé bị đuối nước - Ảnh: Báo Đồng Nai |
Chiều 29/1 (mùng 5 Tết), đại diện bệnh viện đại học Y dược Shingmark cho hay, bệnh viện đã tiếp nhận cấp cứu 2 trẻ bị đuối nước.
Theo đó, vào khoảng 14h30 cùng ngày, bé Đ.T.N.L. (11 tuổi) và bé Đ.Đ.D (9 tuổi), ngụ tại TP.Biên Hòa đã nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, hôn mê, tím tái, đồng tử 2 bên giãn tối đa, không bắt được mạch do ngạt nước. Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích cực suốt 1 giờ nhưng 2 bé đều không qua khỏi.
Được biết, 2 bé trên là chị em ruột, bị ngạt nước khi đi bơi tại một hồ bơi ở phường Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa. Sau 30 phút bị ngạt nước tại hồ bơi, 2 bé mới được chuyển tới bệnh viện cấp cứu.
Quỳnh Chi (T/h)