Bố hiến một phần gan cứu sống con gái 2 tuổi
Theo báo Tin Tức, ngày 28/12, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết đơn vị này vừa thực hiện ghép gan thành công cho một bệnh nhi 2 tuổi. Đây là ca ghép gan trẻ em đầu tiên ở bệnh viện này, được thực hiện hoàn toàn bởi đội ngũ y bác sĩ của Việt Nam mà không có sự hỗ trợ trực tiếp từ chuyên gia nước ngoài.
Cụ thể, bệnh nhi là bé N.N.T ở Đồng Nai, nhập viện trong tình trạng da vàng sạm, bụng báng to, bắt đầu nôn ra máu. Trước đó, bệnh nhi được phát hiện bị teo đường mật bẩm sinh khi gần 2 tháng tuổi, được phẫu thuật nối ruột và đường mật (phẫu thuật KASAI) tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Các bác sĩ tiến hành ca ghép gan cho bệnh nhi 2 tuổi. Ảnh: Báo Tin Tức
Chị M.T.H – mẹ ruột của bệnh nhi kể từ khi sinh ra, bé đã mang căn bệnh hiểm nghèo.Trong 2 năm qua, chứng kiến con bị bệnh tật giày vò, gia đình chị rất xót xa. Khao khát cứu sống bệnh nhi, các thành viên trong gia đình đều muốn hiến gan cho bé nhưng chỉ bố bé mới có các chỉ số y học phù hợp. Xót xa khi thấy bệnh nhi liên tục nôn ra máu, sức khỏe ngày càng suy kiệt, bố bé và gia đình quyết tâm cùng với các y bác sỹ bệnh viện thực hiện ghép gan cho bé.
Theo TS.BS. Trần Công Duy Long, Phó trưởng khoa Ngoại Gan Mật Tụy, Trưởng Đơn vị Ung thư gan mật và ghép gan Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, đơn vị này đã hợp tác cùng các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 và các chuyên gia của Viện Ghép gan trẻ em Nhật Bản. Bên cạnh đó,bệnh viện cũng chuẩn bị rất kỹ lưỡng để có thể thực hiện ghép gan an toàn và hiệu quả nhất cho bệnh nhi.
Sau 4 tuần chăm sóc tại phòng Hồi sức sau ghép và khoa Ngoại Gan Mật Tụy, da của bệnh nhi ngày càng hồng hào. Bệnh nhi trở nên rất năng động, vui vẻ nô đùa cùng các bác sĩ, điều dưỡng. Ngày 21/12, bệnh nhi được xuất viện. Trước đó, sau khi phẫu thuật lấy gan 7 ngày, bố của bệnh nhi cũng đã được ra viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Thanh niên bỏng nặng, cháy xém mặt do bình ga phát nổ
Pháp Luật Việt Nam đưa tin, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang vừa cấp cứu một bệnh nhân bị bỏng nặng do bình ga mini phát nổ trong quá trình nấu ăn. Theo đó, bệnh nhân là N.V.Q (17 tuổi, trú tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang).
Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong tình trạng đau đớn, cháy xém đen vùng mặt, cổ, tứ chi; hai mắt đau không mở được; vết thương xây sát bìu, cánh tay cùng vết thương thấu khớp; ù tai nghe khó.
Người nhà cho biết bệnh nhân đang nấu ăn bằng bếp ga mini thì bếp bất ngờ phát nổ khiến cả cơ thể người bệnh bốc cháy. Bệnh nhân được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn. Tại đây, bệnh nhân được xử trí chống sốc, giảm đau, rửa và băng tổn thương bỏng, sau đó nhanh chóng chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang.
Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bỏng độ 2,3; diện tích 30% mặt, thân, chi trên, vết thương khớp gối trái, dị vật giác mạc. Bệnh nhân được chuyển vào khoa Ngoại lồng ngực- chỉnh hình- bỏng tiếp tục điều trị. Các bác sĩ của khoa đã hội chẩn cùng chuyên khoa Mắt và đưa ra chỉ định phẫu thuật lấy dị vật giác mạc kết hợp phẫu thuật cấp cứu xử trí vết thương thấu khớp gối.
Sau 5 ngày can thiệp phẫu thuật xử lý vết bỏng và điều trị, bệnh nhân tiến triển tốt, hai mắt đã nhìn được, các vết thương bỏng khô. Theo dự kiến, bệnh nhân sẽ được bác sĩ cho xuất viện về nhà trong vài ngày tới.
Thiếu niên 14 tuổi dập nát bàn tay vì pháo tự chế phát nổ
Theo VietNamNet, các bác sĩ khoa Chấn thương II, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa phẫu thuật bảo tồn, giữ lại thành công bàn tay trái cho thiếu niên 14 tuổi bị thương nặng do pháo tự chế phát nổ.
Bác sĩ kiểm tra cho bệnh nhi sau ca phẫu thuật. Ảnh: VietNamNet
Bệnh nhi N.T.T (trú tại huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu trong tình trạng khó thở nhẹ, có vết thương phức tạp bàn tay trái, vết thương dập nát, xẻ đôi bàn tay từ vùng sát cổ tay đến bàn ngón tay, loét loang lổ, lộ gân xương, chảy nhiều máu.
Người mẹ cho biết bệnh nhi mua bột về chế tạo pháo. Trong quá trình chế tạo, pháo tự chế bất ngờ phát nổ khiến bệnh nhi bị chấn thương nghiêm trọng. Phát hiện ra sự việc, gia đình lập tức đưa bệnh nhi đến bệnh viện.
Theo nhận định của các bác sĩ khoa Chấn thương II, tổn thương của bệnh nhi rất phức tạp, nếu không được xử trí kịp thời khả năng cao sẽ phải cắt cụt cả bàn tay trái. Ekip nhanh chóng phẫu thuật cấp cứu, xử lý vết thương bàn tay, cắt cụt toàn bộ ngón 3, bảo tồn các ngón còn lại. Sau ca phẫu thuật, tình hình sức khỏe của bệnh nhi hiện đã ổn định.
Đinh Kim (T/h)