Tin tức đời sống mới nhất ngày 28/4/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 28/4/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Sụt cân, chán ăn vì búi tóc to bằng quả bưởi ở trong bụng
1 quả bóng tóc có kích thước khoảng 15x10cm lấy ra từ dạ dày của bệnh nhân. |
Trước khi nhập viện, người phụ nữ 38 tuổi sống tại Mỹ bị chán ăn và đã giảm 7kg trong 8 tháng.
Người phụ nữ giấu tên được đưa vào phòng mổ và các bác sĩ tìm thấy trong đường tiêu hoá của cô búi tóc dài 15cm và một búi tóc nhỏ hơn dài 4cm.
Người phụ nữ này mắc hội chứng hiếm gặp Rapunzel Syndrome. Hội chứng hiện mới chỉ ghi nhận trên 88 ca trong các tài liệu y khoa.
Theo tạp chí BMJ, hội chứng này là do trichotillomania, một rối loạn thôi thúc bệnh nhân bứt tóc không thể cưỡng lại và đôi khi họ sẽ ăn chính các sợi tóc bứt ra đó.
Tên của hội chứng này được đặt theo Rapunzel tóc dài trong truyện cổ Grimm. Bệnh này không phổ biến nhưng có thể gây ra các tác dụng phụ chết người và các biến chứng khi tóc bện chặt trong dạ dày người bệnh.
Các biểu hiện của bệnh gồm buồn nôn, nôn vọt, thay đổi thói quen đại tiện, trướng bụng và sụt cân.
Các biến chứng bao gồm tắc ruột, thủng ruột, chảy máu hệ tiêu hoá, thiếu máu, giảm cân và viêm ruột thừa.
Các bác sĩ đã phẫu thuật lấy ra 2 búi tóc và người phụ nữ này đã được xuất viện sau 6 ngày. Cô cũng sẽ phải đi điều trị tâm lý và dinh dưỡng.
Gắp đỉa nước dài 4cm trong mũi bệnh nhân nhi
Con đỉa nước trong mũi của bệnh nhân T. |
Chiều 27/4, y sĩ Lê Kim Hoài (Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) cho biết, vừa gắp thành công một dị vật sống trong mũi của bệnh nhân nhi.
Người thân của em N.T.T. (đồng bào Cor, 11 tuổi, trú thôn 4, xã Trà Nú, huyện miền núi Bắc Trà My) kể, khoảng một tháng trước, T. có đi bắt ốc ở suối và uống nước tại đây.
Khi về nhà, T. có triệu chứng nghẹt mũi, chảy máu. Tuy nhiên, do chủ quan nên gia đình không đưa T. đến bệnh viện thăm khám.
Những ngày gần đây, T. cảm giác ngứa mũi như có dị vật bên trong nhưng không gắp ra được. Trước tình trạng trên, trưa 27/4, gia đình đã đưa T. đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My. Tại đây, y sĩ Lê Kim Hoài đã gắp thành công một con đỉa nước dài 4cm trong mũi của em T. ra ngoài.
Thủ phạm bất ngờ khiến bé trai sốt cao, nôn nhiều
Các bác sĩ thực hiện chọc dò dịch não tủy làm xét nghiệm đánh giá tình trạng viêm não màng não ở bệnh nhi Đ. - Ảnh: BSCC |
Bệnh nhi N.D.Đ. (hơn 4 tuổi, ở Xuân Huy, Lâm Thao, Phú Thọ) được đưa đến Trung tâm Sản Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ - trong tình trạng sốt cao, nôn nhiều và đau đầu vùng trán đỉnh.
Qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ đánh giá trẻ có hội chứng não - màng não. Kết quả xét nghiệm cho thấy tình trạng tăng bạch cầu ái toan, dương tính với giun đũa chó mèo và sán lá gan lớn. Bệnh nhi đã được chụp cộng hưởng từ sọ não (MRI) và thực hiện chọc dò dịch não tủy làm xét nghiệm đánh giá tình trạng viêm não - màng não.
BSCKI Bùi Thị Đến - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Trung tâm Sản Nhi - cho biết trẻ em là đối tượng dễ nhiễm giun sán nhất do thói quen đùa nghịch với đất cát - nơi phát tán trứng giun do đặc tính phóng uế bừa bãi của chó, mèo.
Với trường hợp bệnh nhi Đ., kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy có tình trạng biến đổi dịch não tủy, nên được áp dụng phác đồ điều trị tích cực bằng kháng sinh kết hợp thuốc tẩy giun.
Sau khoảng 3 tuần điều trị, tình trạng sức khỏe bệnh nhi ổn định, xét nghiệm cho kết quả chỉ số bạch cầu ái toan trong máu giảm, dịch não tủy bình thường nên được xuất viện.
Người đàn ông may mắn phát hiện kịp lỗ rò giữa tim
Bác sĩ chỉ ra lỗ rò giữa tim bệnh nhân và đã bít được - Ảnh: Người lao động |
Ngày 27/4, bệnh viện Gia An 115 TP. HCM cho biết vừa cứu một ca bệnh tuổi đời còn khá trẻ đối diện nguy cơ liệt cả tay chân do bị lỗ rò giữa tim mà không biết.
Bệnh nhân là anh H.N.T (35 tuổi, ngụ Kiên Giang) đến khám trong tình trạng huyết áp tăng, yếu nửa người trái không rõ nguyên nhân, giọng nói ngọng không rõ lời. Anh T. đã đi khám tại bệnh viện ở địa phương nhưng kết quả chụp CT sọ não không phát hiện bất thường, được cho thuốc uống nhưng không bớt, sốt ruột nên người nhà đưa anh T. lên TP. HCM.
Tại bệnh viện Gia An 115, kết quả chụp MRI cho thấy anh T. bị nhồi máu não đỉnh thái dương. Vì anh T. đã qua giai đoạn vàng can thiệp nên chỉ có thể tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng để tránh nguy cơ tàn phế sau cơn tai biến.
Ngoài ra, anh T. đã được thực hiện một số cận lâm sàng để truy tìm "thủ phạm" gây đột quỵ. Kết quả các bác sĩ phát hiện anh T. có một lỗ bầu dục ở giữa hai buồng tim (tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái), một dạng thông liên nhĩ lỗ nhỏ dễ tạo huyết khối gây đột quỵ. Anh T. được can thiệp bít thông liên nhĩ thành công, hiện tình trạng sức khỏe ổn định.
Theo BSCK2 Dương Duy Trang, Trưởng Khoa Nội tim mạch - Tim mạch can thiệp bệnh viện Gia An 115, đây là một ca bệnh đột quỵ ở người trẻ với nhiều yếu tố may mắn. Thứ nhất, bệnh nhân được phát hiện nhồi máu não đỉnh thái dương sớm. Nếu không được phát hiện và luyện tập, bệnh nhân có thể phải sống cả đời với di chứng yếu liệt tay chân và giảm khả năng ngôn ngữ sau cơn tai biến. Thứ hai, bệnh nhân được phát hiện thông liên nhĩ và can thiệp kịp thời. Với tình trạng thông liên nhĩ lỗ nhỏ kín đáo dễ bỏ sót, nguy cơ tái phát đột quỵ rất cao, đe dọa tính mạng cũng như sức khỏe của bệnh nhân.
Quỳnh Chi (T/h)