Tin tức đời sống mới nhất ngày 26/6/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 26/6/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Nam thanh niên tử vong vì bị hút vào máy xay thịt
Thi thể của Junco trong máy xay thịt - Ảnh: The Sun |
Theo The Sun đưa tin, nam thanh niên Joemar Junco, 18 tuổi, được tìm thấy đã chết trong nhà máy sản xuất xúc xích tại thành phố Iloilo, Philippines vào sáng 22/6. Theo đó, vụ việc xảy ra vào khoảng 7h30 và thi thể của Junco được các đồng nghiệp tìm thấy trong máy xay thịt vào lúc 8h30. Khoảng 1 tiếng sau, cảnh sát và cơ quan chức năng đã có mặt ở hiện trường để điều tra vụ việc.
Hạ sĩ Jennifer Espora cho biết, chủ công ty và các đồng nghiệp của anh Junco đều khẳng định nam thanh niên này chỉ có một mình khi xảy ra sự việc. Hơn nữa, anh Junco mới làm việc tại đây khoảng 2 tuần, được chỉ định làm bao bì sản phẩm và không được giao bất kỳ công việc nào liên quan tới máy xay.
Theo báo cáo, cánh tay phải của anh Junco vô tình mắc kẹt trong máy xay thịt. Sau đó, máy xay tiếp tục kéo anh Junco vào sâu bên trong. Tuy nhiên, thi thể của Junco vẫn còn nguyên vẹn khi được lấy ra và rất có thể nam thanh niên này bị chết vì ngạt thở. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn đang chờ kết quả khám nghiệm thi thể để đưa ra kết luận chính xác về nguyên nhân gây tử vong của anh Junco.
Phẫu thuật thành công sản phụ sanh 3 có nguy cơ tiền sản giật
Niềm vui của vợ chồng sản phụ - Ảnh: Sài Gòn giải phóng |
Chiều 25/6, lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ cho biết, bệnh viện vừa cứu chữa thành công ca sanh 3, trong trường hợp sản phụ có yếu tố nguy cơ tiền sản giật.
Theo đó, bệnh viện tiếp nhận sản phụ Lâm Thị Ánh N. (31 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) nhập viện trong tình trạng con so, tam thai 34 tuần 2 ngày, tăng huyết áp, dọa sanh non. Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định đây là trường hợp mang thai có yếu tố nguy cơ tiền sản giật; sản phụ lập tức được các bác sĩ dùng thuốc kiểm soát huyết áp, thuốc giảm gò, kích thích trưởng thành phổi và thực hiện các xét nghiệm tầm soát bệnh lý tiền sản giật.
Sau khi sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ sanh, ối vỡ sớm. Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành hội chẩn và quyết định xử trí phẫu thuật lấy thai. Ca phẫu thuật được tiến hành với sự phối hợp nhịp nhàng của các khoa chuyên môn; sau 40 phút tập trung, ca phẫu thuật “mẹ tròn con vuông”, với sự chào đời của 3 bé (2 trai, 1 gái), có cân nặng lần lượt là 1,8 kg; 1,5 kg và 2,2 kg trong niềm vui của gia đình và các bác sĩ.
Sau sanh, 3 bé được tiếp xúc da kề da với mẹ và kẹp dây rốn muộn. Hiện tại, tình hình sức khỏe của mẹ và bé ổn định. Cả 3 bé da hồng hào, khóc to, thở đều tự nhiên và đang được thực hiện phương pháp Kangaroos…
Theo BS CKII Phạm Thị Linh, Trưởng khoa Hậu sản (Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ) cho biết: “Trường hợp tam thai tự nhiên rất hiếm gặp với tỉ lệ 1/8000 ca. Các trường hợp đa thai thường gặp phải nhiều nguy cơ tiềm ẩn như dọa sanh non, thai chậm tăng trưởng và đặc biệt là tiền sản giật, đe dọa sức khỏe, tính mạng của cả mẹ và bé. Vì vậy, các sản phụ đang mang thai, đặc biệt mang đa thai nên khám thai định kỳ, kiểm tra huyết áp thường xuyên, thử nước tiểu, tầm soát tiền sản giật sớm… nhằm xử trí kịp thời những khó khăn, đảm bảo an toàn cho mẹ và bé”.
Bé trai 10 tuổi tử vong nghi do chuyển viện muộn
Bệnh viện Đa khoa Vân Đình - nơi bệnh nhi M. điều trị - Ảnh: Lao động |
Gia đình chị Mai Thị Th.P (xã Liên Bạt, huyện Ứng Hóa, Hà Nội) bức xúc cho rằng con của chị là bé T.H.M (10 tuổi) tử vong do sự tắc trách của bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Vân Đình.
Theo phản ánh của gia đình bệnh nhi, trưa 22/5 bé M. có biểu hiện đau vùng thượng vị, nôn nhiều. Gia đình đưa bé M. vào Bệnh viện Đa khoa Vân Đình khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị rối loạn tiêu hóa và cho chuyển vào khoa Nhi điều trị.
Sau 1 ngày điều trị, nhận thấy tình trạng của bé M. không tiến triển, gia đình xin cho bệnh nhân chuyển tuyến. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Hữu Văn - Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Vân Đình) cho rằng, đây là bệnh đơn giản nên không cho chuyển viện.
Đến ngày 24/5, bệnh nhi có biểu hiện phù mặt, gia đình tiếp tục xin chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương nhưng bác sĩ Văn khẳng định bệnh nhi phù mặt do truyền nước. Bác sĩ cho rằng nếu chuyển thì chuyển ra Bệnh viện Xanh Pôn, không cần ra Bệnh viện Nhi Trung ương.
Gia đình bệnh nhân vẫn quyết tâm cho bé chuyển viện nên buộc bệnh viện phải đồng ý.
Ngày 24/5, bệnh nhi M. được chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, các bác sĩ thăm khám, làm các xét nghiệm và kết luận bệnh nhi bị viêm cơ tim, suy đa tạng do không được cấp cứu kịp thời. Sau 14 ngày cấp cứu, đến ngày 8/6 bệnh nhi tử vong.
Gia đình cho rằng, việc bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Vân Đình không chẩn đoán đúng bệnh, nhưng không cho chuyển viện đã khiến bệnh nhi tử vong.
Ông Nguyễn Văn Đông - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vân Đình xác nhận có sự việc trên. Theo hồ sơ tóm tắt bệnh án, bệnh nhi vào viện trong tình trạng đau bụng thượng vị, nôn nhiều. Khi khám trẻ tỉnh, không sốt, nôn nhiều lần, môi nhợt, da lạnh, đau bụng vùng thượng vị. Siêu âm ổ bụng cho thấy, túi mật thành dày 6mm, có dịch tự do ổ bụng 30mm. Bệnh nhi được chẩn đoán nôn chưa rõ nguyên nhân/viêm đường mật. Bệnh nhi đã được bù dịch, khánh sinh, chống nôn, tiêu hóa.
Ông Đông cũng cho biết Hội đồng chuyên môn của bệnh viện sẽ họp để đánh giá vụ việc và chắc chắn sẽ có hình thức xử lý kỷ luật với cá nhân liên quan.
Cũng theo ông Đông, khi bệnh nhân tử vong, gia đình xuống viện yêu cầu làm rõ. Bệnh viện không trốn tránh mà để gia đình tập trung lo tang ma cho bé xong thì Ban Giám đốc bệnh viện đến thắp hương, chia sẻ nỗi đau.
Bệnh viện đã hẹn ngày làm việc với gia đình bệnh nhi để giải thích những khúc mắc.
Bé trai 7 tháng tuổi suýt mất mạng vì “thần dược” thuốc cam
Bé N. nhập viện vì ngộ độc chì cấp do dùng thuốc cam - Ảnh: Kiến thức |
Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thời gian qua, Khoa Cấp cứu chống độc của bệnh viện này đã tiếp nhận và điều trị cho 6 trẻ ngộ độc chì do dùng thuốc cam. Phần lớn các ca ngộ độc chì ở trẻ em đều liên quan đến sử dụng "thần dược" thuốc cam không rõ nguồn gốc nhằm tẩm bổ, tăng cân, chữa tưa lưỡi, viêm loét miệng…
Trường hợp nhập viện cấp cứu mới đây nhất là bệnh nhi Nguyễn Phan Bảo N. (7 tháng tuổi, ngụ Thanh Hóa) được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng li bì, nôn trớ, đi ngoài. Theo người nhà bệnh nhân, trước đó 2 tuần, bé bị viêm loét miệng, bà nội của bé nghe hàng xóm mách một thầy lang ở gần nhà có bài thuốc cam gia truyền có thể chữa bệnh rất tốt, nên đã tìm mua thuốc cho cháu bôi và uống. Sau 7 ngày dùng thuốc cam, bé N. xuất hiện tình trạng nôn trớ, đi ngoài, co giật, li bì nên được người nhà đưa đến bệnh viện tỉnh khám và điều trị rồi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, qua khai thác bệnh sử và các biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ nhận định bệnh nhi bị ngộ độc chì cấp do dùng thuốc cam. Bệnh nhi được lấy mẫu máu định lượng nồng độ chì. Kết quả nồng độ chì trong máu lên đến 384,2 microgam/dL (cao hơn mức cho phép hàng trăm lần).
Quỳnh Chi (T/h)