Tin tức đời sống mới nhất ngày 26/5/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 26/5/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Mưa đá to bằng quả bưởi gây kinh ngạc
Viên mưa đá có kích cỡ to bằng quả bưởi. |
Những hạt mưa đá có đường kính gần 13 cm như những thiên thạch rơi xuống thị trấn Burkburnett, Texas (Mỹ) chiều 22/5, làm thủng mái nhà và để lại nhiều vết hõm trên mặt đất.
Viên mưa đá lớn nhất có kích thước khổng lồ, tới hơn 13,5 cm, gần bằng chiều dài của chiếc iPhone 6 hay to bằng quả bưởi và hơn cả đường kính của một chiếc đĩa DVD thông thường. Viên đá này nặng khoảng 450 gram.
Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy một viên đá to như khối băng, phải dùng hai tay để giữ. Một em bé 8 tuổi đã tìm được một trong những viên đá lớn khi mưa tạnh. Một cư dân khác so sánh những viên đá to như quả bóng chày.
Rick Smith, nhà khí tượng học tại văn phòng Thời tiết Quốc gia ở thành phố Norman, bang Oklahoma, đã dừng lại để xác minh mưa đá với kích thước lớn khi đang trên đường đi kiểm tra thiệt hại sau một cơn lốc xoáy.
“Tôi đã đi xuống đó để khảo sát các cơn lốc xoáy và đặc biệt quan tâm đến những gì đã xảy ra ở phía tây Bowie”, ông Smith nói. Ông ban đầu hoài nghi trước những bức ảnh trên mạng xã hội đăng về những viên đá to lớn nhưng sau đó có thể xác nhận sự việc. “Tôi đã đến thăm một ngôi nhà, nơi bị viên đá có đường kính hơn 10 cm xuyên thủng trần nhà tắm và rơi xuống sàn“, ông Smith cho hay. Một số cư dân thậm chí còn báo cáo về những vết lõm trong sân nhà họ sau trận mưa đá. “Họ đã chạy ra ngoài trong khi mưa đá rơi xuống. Hai trận mưa đá với những viên đá có kích thước hơn 13 cm mà tôi thấy diễn ra ở khá gần nhau, chỉ cách khoảng nửa dặm”.
Theo Smith, người dân đã đưa cho ông một danh sách những ngôi nhà bị hư hại do mưa đá. “Không có gì phải nghi ngờ nữa, có rất nhiều lỗ thủng trên mái nhà, thiệt hại do mưa đá lớn hơn chúng ta biết. Đó không chỉ là những viên đá 13 cm mà còn có những viên từ 10-13 cm. Mưa đá đã hiếm, nhưng để có được viên đá với khối lượng như vậy thì cực kỳ hiếm”.
Lên rừng bắt ếch, người đàn ông U40 bị vắt chui vào mũi
Con vắt sau khi được gắp ra. |
Sáng ngày 25/5, các bác sĩ bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã gắp thành công dị vật sống trong mũi người đàn ông.
Người bệnh Đ.C.D (sinh năm 1979) trú tại xã Mỹ Lung, Yên Lập, Phú Thọ đến bệnh viện khám trong tình trạng chảy máu mũi một bên kéo dài và luôn có cảm giác buồn, vướng bận trong mũi.
Theo lời kể của người đàn ông này, trong khoảng thời gian 2 - 3 tuần trước đó, ông đã lên rừng bắt ếch, bắt cua, sau một tuần về thì thấy xuất hiện những biểu hiện trên. Sợ hãi kèm lo lắng quá nhiều đến mức sụt cân nặng, cuối cùng ông mới đến bệnh viện để thăm khám.
Tại Trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao, sau khi được bác sĩ kiểm tra và tiến hành nội soi đã phát hiện có dị vật sống trong mũi người bệnh, dị vật đó được xác định là con Vắt có kích thước 6m, to bằng đầu đũa.
Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành gắp dị vật cho người bệnh. Sau khi dị vật được lấy ra, người bệnh được vệ sinh sạch sẽ vùng mũi họng và về nhà.
Theo bác sĩ Chu Tiến Ngọc, người trực tiếp gắp dị vật cho biết, hiện tượng vắt lọt vào và khu trú trong mũi được bắt gặp nhiều với những người dân sống vùng sâu, vùng xa có thói quen đi tắm sông, suối. Vắt sẽ lọt vào cơ thể, luồn lách vào các khe mũi hoặc có thể xuống vùng họng…Triệu chứng thường gặp là chảy máu mũi, vướng bận trong mũi, ho ra máu, đau ngực, khó thở, đôi khi khàn tiếng.
Qua đây bác sĩ Ngọc có khuyến cáo với ngưởi dân khi đi rừng, suối không nên rửa mặt, hay uống nước suối. Khi có những biểu hiện khó chịu vùng mũi, họng nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám và kiểm tra.
Gắp con đỉa suối dài 5 cm trong hốc mũi người phụ nữ
Con đỉa sống ký sinh trong mũi bệnh nhân N. Ảnh: Cắt từ clip. |
Ngày 25/5, Phòng khám Đa khoa Đoàn Kết ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã gắp thành công một con đỉa suối dài khoảng 5 cm sống ký sinh trong hốc mũi bệnh nhân L.T.N. (24 tuổi, trú huyện Quỳ Châu, Nghệ An).
Trước đó, chị N. tìm đến Phòng khám Đa khoa Đoàn Kết với triệu chứng chảy máu mũi suốt một tuần.
Khai thác tiền sử cho thấy chị N. có đi vào rừng và uống nước suối khi tắm. Khi về nhà, chị có biểu hiện nhột ở mũi, sau đó mới đi khám.
Bác sĩ đã gắp ra một con đỉa đang hút máu và sống ký sinh trong hốc mũi bệnh nhân.
Đỉa suối thường sống ở các khe suối. Lúc còn nhỏ, kích thước chúng chỉ vài mm. Khi người hoặc động vật uống nước suối, chúng sẽ nhanh chóng chui vào các khoang mũi, họng, thanh hoặc khí phế quản và ký sinh ở đó. Sau một thời gian hút máu, chúng sẽ lớn rất nhanh, gây ra các triệu chứng về đường hô hấp cho vật chủ.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên uống nước tại các khe suối, không bơi lội trong những môi trường nước không an toàn để tránh đỉa chui vào người.
Nôn ra dịch, bé 4 tháng tuổi mắc bệnh hiếm
Các bác sĩ phẫu thuật cho trẻ bị nang ruột đôi DI tá tràng - Ảnh: BVCC |
Ngày 25/5, các bác sĩ khoa Ngoại và Chuyên khoa, bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận bé T.T.N. (4 tháng tuổi, trú tại Móng Cái) trong tình trạng nôn ra dịch kèm thức ăn, 2 ngày chưa đại tiện.
Qua thăm khám, xét nghiệm, siêu âm, kết quả cho thấy trẻ mệt, có dấu hiệu mất nước, da nhiêm mạc nhợt. Vị trí bờ dưới gan phải có cấu trúc dạng nang, kích thước 3x4 cm. Qua hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị nang ruột đôi DI tá tràng và chỉ định phẫu thuật nội soi.
Ban đầu, ca phẫu thuật tiến hành theo phương pháp nội soi. Tuy nhiên, sau khi đặt camera quan sát vị trí DI tá tràng có khối dạng nang dịch kích thước 4x3,5 cm, chèn ép tá tràng, các bác sĩ tiến hành mổ mở.
Ca mổ khó khăn do vùng cơ thể được phẫu thuật rất nhỏ nhưng đã thành công tốt đẹp. Sau phẫu thuật, bệnh nhi tiến triển tốt, được theo dõi tại khoa Gây mê hồi tỉnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Kim Hiếu, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi, nang ruột đôi là bất thường của hệ tiêu hóa, rất hiếm gặp. Trong đó, một đoạn có cấu trúc như ruột nhưng phát triển thừa và dính chặt vào ruột bình thường của đường tiêu hóa.
Bệnh biểu hiện khác nhau, tùy theo vị trí và kích thước đường tiêu hóa đôi. Bệnh thường gây rối loạn tiêu hóa không điển hình, dễ bỏ qua, đôi khi chỉ là những cơn đau bụng âm ỉ từng đợt rồi hết hay tiêu lỏng, tiêu khó do phân tích tụ.
Cách điều trị duy nhất là phẫu thuật sớm để tránh các biến chứng không tốt có thể xảy ra. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo khi trẻ nhỏ kêu đau bụng, rối loạn tiêu hóa, cha mẹ nên chú ý và cho con đi khám để phát hiện bệnh sớm (nếu có).
Quỳnh Chi (T/h)