Kim tiêm gãy, mắc trong má người phụ nữ khi tiêm filler ở salon tóc
Ngày 25/4, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết đơn vị vừa tiếp nhận và điều trị cho một nữ bệnh nhân 45 tuổi ở Phú Thọ gặp sự cố gãy kim tiêm, toàn bộ kim tiêm nằm trong má khi đang tiêm filler, theo Phụ Nữ Việt Nam.
Trước đó, bệnh nhân đến bệnh viện thăm khám sau khi tiêm filler xóa rãnh mũi, má. Người bệnh kể, khi đang tiêm filler thì gặp sự cố gãy kim tiêm, đầu kim cắm sâu vào má. Ngay lập tức, bệnh nhân tới bệnh viện để cấp cứu và điều trị.
Hình ảnh đầu kim trong ảnh chụp CT. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ tiến hành chụp CT scanner, cho kết quả hình ảnh dị vật khoảng 1cm, vị trí phần mềm cánh mũi phải, chỉ định thủ thuật lấy dị vật cho bệnh nhân. Sau 10 phút thực hiện thủ thuật, các bác sĩ đã lấy đầu kim từ vùng má bệnh nhân. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, tiếp tục được bác sĩ theo dõi.
Nhân trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo làm đẹp là nhu cầu chính đáng và bình thường của tất cả mọi người, đặc biệt là chị em phụ nữ. Tuy nhiên, mọi người không nên thực hiện tại các cơ sở không được cấp phép, các tiệm làm tóc hay spa… Nếu có nhu cầu làm đẹp thì nên tới các cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ uy tín để được tư vấn, thực hiện.
Rụng tóc, lở loét toàn thân vì bệnh Rowell rất hiếm gặp
Sức Khỏe & Đời Sống thông tin, ngày 25/4, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM công bố phát hiện một trường hợp nam bệnh nhân mắc hội chứng Rowell. Được biết, đây là một bệnh lý cưc hiếm gặp. Theo y văn thế giới, có khoảng 95 trường hợp hội chứng Rowell đã được được báo cáo với phần lớn các trường hợp là bệnh nhân nữ, rất hiếm xuất hiện ở bệnh nhân nam.
Trước đó, vào ngày 17/1, nam bệnh nhân 36 tuổi ở Long An đến Bệnh viện Da Liễu TP.HCM thăm khám vì nổi nhiều dát, sẩn, mảng hồng ban ở đầu mặt, thân mình, tay, chân. Ngoài ra, người bệnh còn xuất hiện nhiều vết trợt lở ở môi miệng, thân mình kèm rỉ dịch, đau rát nhiều, tóc rụng, hay bần thần trong người…
Khai thác bệnh sử, người bệnh cho biết trước đó khoảng 1 năm, trên người anh xuất hiện vài nốt đỏ, nhỏ nằm rải rác ở mặt và lưng, không bong vảy, không ngứa. Bệnh nhân đi khám một số nơi, được chẩn đoán là viêm da bã nhờn và được điều trị bằng thuốc uống và thoa. Tình trạng bệnh giảm bớt khi thoa thuốc nhưng nổi lại khi ngưng điều trị.
Bệnh nhân sau đó tự mua thuốc nam, thuốc bắc, thuốc tây uống thêm trong khoảng 5-6 tháng theo lời hướng dẫn của người quen nhưng bệnh không hết hẳn mà tái phát lại nhiều lần. Qua thăm khám, bác sĩ CK2 Nguyễn Vũ Hoàng – Trưởng khoa Lâm sàng 2, Bệnh viện Da liễu TP.HCM nghĩ đến hội chứng Rowell.
Sau khi cho bệnh nhân thực hiện thêm các xét nghiệm cơ bản và xét nghiệm về miễn dịch học, dựa vào biểu hiện lâm sàng và kết quả xét nghiệm, bác sĩ Hoàng chẩn đoán bệnh nhân mắc hội chứng Rowell dựa vào vào các tiêu chuẩn trong chẩn đoán bệnh Rowell. Sau khi tìm ra bệnh lý, bệnh nhân được điều trị theo hướng chẩn đoán hội chứng Rowell và đến nay sức khỏe tiến triển tốt, bệnh nhân được xuất viện điều trị ngoại trú.
Nhiễm độc nặng vì tự ý đổi thuốc
Người Lao Động dẫn thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết đơn vị này vừa giải độc thành công cho một trường hợp bị nhiễm độc kim loại nặng từ thuốc nam. Được biết, bệnh nhân là chị N.T.H (27 tuổi, trú tại tỉnh Đắk Lắk).
Bác sĩ Doãn Uyên Vy khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: Người Lao Động
Năm 2019, bệnh nhân được Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị bệnh viêm cột sống dính khớp. Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân chuyển sang dùng thuốc nam vì nghe lời hàng xóm uống thuốc nam sẽ tốt hơn thuốc tây.
Sau 4 tháng sử dụng thuốc nam, tình trạng bệnh viêm cột sống dính khớp không cải thiện, người bệnh còn bị tiêu chảy kéo dài, cơ thể bị phù, suy kiệt... Diễn tiến bệnh càng lúc càng nặng, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy mới phát hiện bị loét đường ruột rất nặng.
ThS.BS Doãn Uyên Vy, phụ trách Phòng khám Chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết qua xét nghiệm xác định bệnh nhân bị nhiễm độc kim loại nặng từ thuốc nam.
Bệnh nhân được yêu cầu ngưng ngay nhưng tình trạng nhiễm độc kim loại nặng này đã để lại một di chứng khá nặng nề là mất protein qua đường ruột. Người bệnh buộc phải truyền albumin, truyền đạm mỗi ngày trong suốt 2 năm, rất tốn kém.
Đinh Kim (T/h)