Nhiễm độc toàn thân vì tự dùng thuốc điều trị viêm gan B
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân N. (48 tuổi, trú tại Cao Bằng) bị ngộ độc toàn thân do tự sử dụng thuốc điều trị viêm gan B, theo báo Phụ Nữ Việt Nam.
Tình trạng của người bệnh khi vào viện. Ảnh: Phụ Nữ Việt Nam
Trước đó, người bệnh vào viện trong tình trạng da toàn thân lở loét từng mảng, nhiễm độc toàn thân. Bệnh nhân cho biết mình có cơ địa dị ứng, viêm gan B nhưng không dùng thuốc thường xuyên theo đơn mà tự ý mua thuốc ngoài về sử dụng.
Cách đây 15 ngày, bệnh nhân tự mua thuốc bôi và thuốc uống về điều trị nhưng tình trạng bệnh không đỡ mà nặng nề thêm, lở loét nhiều vùng trên cơ thể nên đến bệnh viện thăm khám.
Qua kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hoại tử thượng bì, nhiễm độc toàn thân trên nền bệnh nhân dị ứng thuốc. Người bệnh hiện đang được các bác sĩ chăm sóc, điều trị tại bệnh viện.
Nhập viện cấp cứu vì ngộ độc methanol
Báo Pháp Luật Việt Nam đưa tin, một nam bệnh nhân 37 tuổi ở Phú Thọ vừa phải nhập viện điều trị do uống phải rượu giả chứa cồn công nghiệp. Người bệnh được gia đình đưa vào một bệnh viện tại Phú Thọ trong tình trạng hôn mê sâu, toan chuyển hóa nặng, huyết áp tụt.
Tiếp nhận người bênh, các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc methanol. Ngay lập tức người bệnh được các bác sĩ cho thở máy, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, truyền kiềm, dùng thuốc giải độc đặc hiệu ethanol 20% đường uống qua sonde dạ dày, lọc máu cấp cứu.
Sau 10 tiếng điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh, cai được thở máy. 3 ngày điều trị tiếp theo, tình trạng bệnh nhân ổn định hoàn toàn, được bác sĩ kê đơn thuốc cho ra viện.
Bệnh nhân hiện đã được bác sĩ cho xuất viện về nhà. Ảnh: Pháp Luật Việt Nam
Theo các bác sĩ, đây là trường hợp ngộ độc methanol rất nặng do uống phải cồn giả. Tuy nhiên, bệnh nhân được chẩn đoán sớm, cấp cứu và điều trị kịp thời nên được cứu sống nhanh chóng trong thời gian ngắn, không để lại di chứng trên mắt, thần kinh trung ương và các cơ quan khác.
Điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm trùng khủy tay
Theo báo Người Lao Động, 2 năm trước, nữ bệnh nhân 61 tuổi ở TP.HCM bắt đầu xuất hiện cơn đau vùng khớp khuỷu trái. Cơn đau ban đầu nhẹ, dai dẳng, dần nặng lên. Người bệnh đã đến nhiều bệnh viện ở TP.HCM để kiểm tra.
Sau nhiều lần thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán viêm khớp khuỷu/ thoái hoá khớp khuỷu tay trái và uống thuốc điều trị nội khoa nhiều tháng liền nhưng tình trạng đau không thuyên giảm.
Tay của bệnh nhân được cố định sau ca phẫu thuật. Ảnh: Người Lao Động
Nghe lời người quen giới thiệu, bệnh nhân tìm đến phương pháp chữa trị đắp thuốc. Người bệnh đã đắp lá cây tại một "thầy" nổi tiếng mát tay ở Tây Ninh với hy vọng chấm dứt cơn đau.
Tuy nhiên, sau vài tháng chữa trị, bệnh tình không thuyên giảm mà còn trở nặng hơn, khủy tay trái càng lúc càng sưng to, tấy đỏ, bề mặt da xuất hiện nhiều mụt mủ, rỉ dịch. Tại bệnh viện, sau khi được sơ cứu vết thương, bệnh nhân được chỉ định làm xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang.
Kết quả cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân có rò mủ ra da, vùng cơ quan khớp bị viêm, tiêu xương toàn bộ vùng đầu khớp, viêm xương tuỷ. Ekip bác sĩ đã tiến hành rạch lấy mủ, loại bỏ các phần hoại tử, cố định ngoài khớp khuỷu, lập hệ thống tưới rửa liên tục tay của bệnh nhân. Tình trạng nhiễm trùng đã giảm sau 1 tuần điều trị, người bệnh ăn uống tốt, hết đau nhức.
Đinh Kim (T/h)